Bình Định:
Nhiều doanh nghiệp dệt may “thoi thóp” vì Covid-19
(Dân trí) - Ngành dệt may - da giày ở Bình Định, hầu hết nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 khiến nhiều doanh nghiệp nguy cơ tạm dừng sản xuất.
Chiều 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp để xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Doanh nghiệp “cầu cứu”
Theo Sở Công thương Bình Định, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may - da giày ở Bình Định đều nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc (chiếm trên 90%), khách hàng truyền thống xuất khẩu chủ yếu là các nước ở châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp dệt may - da giày ở Bình Định “tắc” cả đầu vào lẫn đầu ra.
Dự kiến, cuối tháng 4/2020 các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ngành may tại Bình Định không còn nguyên liệu dự trữ để sản xuất và nguy cơ phải tạm dừng hoạt động sản xuất.
Là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, buộc phải “cầu cứu” chính quyền tỉnh Bình Định, Công ty CP Giày Bình Định cho biết, hiện nay số lao động tạm nghỉ việc tại đây lên đến 1.160/1.272 lao động, phải tạm ngưng sản xuất ít nhất 5 tháng kể từ tháng 2/2020, nhiều nhất là 12 tháng.
Công ty CP May Phù Cát cho rằng, trong lúc khó khăn này, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn nợ thuế, bảo hiểm xã hội và giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ vay ngân hàng.
“Do dịch bệnh Covid -19, các nhà máy nguyên phụ liệu của Trung Quốc dừng hoạt động, nguyên phụ liệu từ thị trường khác không thể thay thế nên các doanh nghiệp may mặc ở Bình Định đều thiếu nguyên phụ liệu để hoạt động. Dự kiến đến cuối tháng 4, tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành may ở Bình Định không còn nguyên liệu dự trữ để sản xuất, phải tạm dừng hoạt động”, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công thương Bình Định nói.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước xem xét đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản vào nhóm các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ dịch Covid-19. Vì đây là ngành định hướng xuất khẩu, có độ mở lớn, thặng dư thương mại rất lớn và giá trị kim ngạch thu về trên 11 tỷ USD từ hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2019, trong bối cảnh 5 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc đều là điểm nóng bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định mong muốn ngân hàng thương mại xem xét áp dụng các gói tín dụng ưu đãi. Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Định xem xét miễn giảm và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, phí lệ phí cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xem xét tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp ngành gỗ đến hết tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Bình Định cũng gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu đang bị dịch Covid -19 nên việc mua bán diễn ra rất chậm…
Giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19
Các doanh nghiệp ở Bình Định đề nghị UBND tỉnh này và Trung ương có chính sách hỗ trợ trong việc giãn nợ, giãn thuế và giảm lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở rộng cửa thông quan để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước và các chi phí dịch vụ cảng biển trong năm 2020…
Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ngành xem xét, vận dụng tối đa các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Đồng thời, ông Dũng cũng giao Sở Công thương tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội để tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Tỉnh cũng không khuyến khích đưa khách du lịch về Bình Định vì gặp rủi ro rất cao. Tôi đề nghị các doanh nghiệp phải ưu tiên tập trung vào công tác chống dịch Covid -19. Cần tuyên truyền, vận động cho người lao động, đừng để trong công ty xảy ra 1 ca dịch bệnh Covid -19 nào, nếu xảy ra dịch thì hoạt động của doanh nghiệp về sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nên coi việc an toàn cho người lao động trong thời điểm này là trên hết”, ông Hồ Quốc Dũng nói.
Doãn Công