Đề xuất "xóa sổ" vé máy bay giá 0 đồng, áp sàn tối thiểu 320.000 đồng/vé

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Giá vé thấp nhất là 320.000 đồng. Cục Hàng không cho biết đề xuất được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng bay, Nhà nước.

Thông tin trên được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định. Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Đề xuất xóa sổ vé máy bay giá 0 đồng, áp sàn tối thiểu 320.000 đồng/vé - 1

Cục Hàng không đề xuất áp sàn giá vé máy bay nội địa (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cục Hàng không cho biết, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh do không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể.

"Các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.

Đây là những nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không" - Cục Hàng không Việt Nam lý giải và cho biết các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Cơ quan quản lý hàng không khẳng định đề xuất áp giá sàn vé máy bay là "chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19". Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước.

"Khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ" - Cục Hàng không nhấn mạnh.

Do chính sách mang tính chất giải quyết tình huống nên trước mắt Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11 đến 31/12.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi sớm hơn thị trường hàng không quốc tế và việc phục hồi hoàn toàn trong năm 2023 là khả thi. Ngoài ra, việc xem xét kéo dài chính sách này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thị trường nội địa tiếp tục gặp khó khăn như giai đoạn năm 2021.

Về dài hạn, trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường với sự cạnh tranh sôi động của các hãng hàng không Việt Nam để phù hợp với thông lệ quốc tế, Cục Hàng không VN đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Liên quan tới việc áp sàn giá vé máy bay, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết về cơ bản giá là do quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.

"Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Tổn thất của ngành hàng không thế giới và trong nước tới con số hàng trăm tỷ USD. Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không, nay lại đua nhau giảm giá thì càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính" - ông Nề nói và cho rằng cạnh tranh phải bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, tránh giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp.