Đề xuất nguồn lực tài chính 3.000 - 5.000 tỷ đồng cho VAMC

(Dân trí) - Theo ông Ngô Trí Long, cần cho VAMC một cơ chế thị trường và nguồn lực tài chính khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Còn cứ với cách thức tiến hành hiện tại, sẽ chẳng có ngân hàng nào giải thể, phá sản vì nợ, nhưng sẽ nợ đến chết.


Tại Kỷ yếu Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 (diễn đàn tổ chức tại Ninh Bình, diễn ra ngày 27-28/9/2014), trong bài tham luận của mình, cùng với việc ghi nhận những kết quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu ngân hàng, PGS.TS Ngô Trí Long cũng đưa ra một loạt những nhận xét về bất cập và thiếu sót.

Theo ông Long, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. 
 
“Chúng ta đều biêt rằng tái cơ cấu chỉ có hiệu quả sau khi việc mua bán, sát nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Phần lớn các ngân hàng được tái cơ cấu vừa qua đã có sự thay đổi ban đầu, chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bước đầu có hiệu quả khi tổ chức mạnh mua tổ chức yếu. Song, phải thừa nhận một thực tế, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở ‘bình mới rượu cũ’, chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động”- vị chuyên gia đánh giá.

TS Ngô Trí Long (ảnh: DNVN)
TS Ngô Trí Long (ảnh: DNVN)

Thêm vào đó, nợ xấu ngày càng khó xác định và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản và bài toán giải quyết “nợ xấu” vẫn nan giải. Lộ trình của Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.

Ông Long cũng lưu ý rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ theo hướng giãn, hoãn kỳ hạn nợ để tránh áp lực nợ bị “nhảy nhóm”, không ít đơn vị đã lạm dụng quá mức chính sách này để tránh áp lực về số liệu nợ xấu. Chính hành vi này dẫn đến nợ xấu không được phản ánh thực chất và không trích lập đủ mức cần thiết.

Báo cáo tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ xấu của các ngân hàng cũng đồng loạt tăng. Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện cuối tháng 6/2014 ở mức 4,17% tổng dư nợ cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Trong khi đó hãng xếp hạng tín dụng Moody's ước tính là 10-15%.

Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới. Vì vậy, nếu không giải quyết dứt điểm thì đây là điểm nghẽn của nền kinh tế; còn tồn tại nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn – TS Long lo ngại.

Tại các ngân hàng thương mại, nợ xấu vẫn bị coi như “ung nhọt” và điều đáng nói là đa số các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu vượt 3% - ngưỡng an toàn do NHNN và các tổ chức quốc tế đặt ra. 

VAMC công bố đến cuối tháng 8/2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỉ đồng nợ xấu
VAMC công bố đến cuối tháng 8/2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỉ đồng nợ xấu

Đâu là thất bại của VAMC?

Việc xử lý nợ xấu hiện này được cho là mới chỉ thực hiện khoanh vùng nợ xấu chứ chưa xử lý dứt điểm. Quý 4 năm ngoái khi công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đi vào hoạt động và những khoản nợ đầu tiên được mua, người ta đã hy vọng nhìn thấy khả năng xử lý nợ xấu. Nhiều người cho rằng một cơ chế xử lý nợ đã ra đời, giống như ở các nước trong các cuộc khủng hoảng trước đây, và cơ chế này sẽ mang lại hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo TS Long, nếu cơ chế hoạt động của một tổ chức như AMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, “ôm” khoản nợ đó một thời gian đến khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên, thì VAMC của Việt Nam không như vậy. 

VAMC mua nợ bằng giấy, giấy đó là trái phiếu đặc biệt, được mang lên giao dịch với Ngân hàng Nhà nước để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, ngân hàng vẫn phải tiếp tục đòi nợ và thêm một công đoạn mới là mỗi năm trích dự phòng rủi ro 20% tổng giá trị tờ giấy cầm ấy. 

Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá. VAMC đã tổ chức ba lần đấu giá nhưng đều thất bại. Ông Long chỉ ra rằng, VAMC đấu giá theo cách thông thường, giá bán không linh hoạt, nên không làm cho thị trường nợ chuyển động, thất bại là ở đó. VAMC công bố đến cuối tháng 8/2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỉ đồng nợ xấu, tuy nhiên, vị chuyên gia lo ngại rằng, con số này có thể thấp hơn số nợ xấu phát sinh từ tháng 10/2013 đến nay. 

“VAMC ôm nợ, mà chưa xử lý được thì làm sao nợ giảm được? Cái cần hiện nay là cho VAMC một cơ chế thị trường và một nguồn lực tài chính khoảng 3.000 – 5.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu. Cơ chế ấy là cho phép VAMC bán đấu giá tài sản theo giá thị trường, bán đến khi có người mua. Vướng mắc này cần được tháo gỡ. Còn cứ với cách thức tiến hành hiện tại, sẽ chẳng có ngân hàng nào giải thể, phá sản vì nợ, nhưng sẽ nợ đến chết” – TS Long góp ý.

Bích Diệp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”