Đề xuất mới: Đầu mối bán xăng dầu phải đăng ký hạn mức hàng tối thiểu

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Công Thương đề xuất thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải gửi 1 bộ hồ sơ đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp trước ngày 15/11 của năm hiện tại.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/ của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ (Điều 11a) như sau: Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ có sức chứa tĩnh tại nhiệt độ thường không quá 200 lít.

Địa bàn được phép hoạt động của thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ là những địa bàn không bao gồm thị trấn, thị tứ của các huyện.

Đề xuất mới: Đầu mối bán xăng dầu phải đăng ký hạn mức hàng tối thiểu - 1

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Công Thương sẽ giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi Điều 12 về "Đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm".

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi 1 bộ hồ sơ đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp trước ngày 15 tháng 11 của năm hiện tại. Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Việc này được thực hiện dựa trên căn cứ nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế quốc dân và nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, trên cơ sở nhu cầu định hướng về tổng nguồn xăng dầu thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, 

Trường hợp không phân giao hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, dự thảo nêu rõ: Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, thương nhân gửi công văn về Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

Ngoài ra, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương. trong trường hợp Bộ này có văn bản hướng dẫn cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo quy định, thương nhân đầu mối bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.

Trong đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy sản xuất, pha chế xăng dầu (hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu thành phẩm) hoặc nhập khẩu xăng dầu để cung ứng xăng dầu cho hệ thống của mình và xuất khẩu xăng dầu.

Danh sách cập nhật trên trang Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có 40 thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Trong đó, có một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng Công ty xăng dầu Quân đội...