Để thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, sếp lớn EVN bị đề xuất kỷ luật

Văn Hưng

(Dân trí) - Ủy ban Quản lý vốn đề xuất kỷ luật khiển trách nguyên Chủ tịch EVN Dương Quang Thành; Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc Trần Đình Nhân; Phó tổng giám đốc Ngô Sơn Hải và 3 giám đốc, phó giám đốc A0.

Trong thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, xảy ra tình trạng gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan.

Kết quả đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong toàn tập đoàn, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan. Hiện quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đã cơ bản hoàn tất. Ủy ban đang tiếp tục phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương chỉ đạo EVN ban hành các quyết định kỷ luật cán bộ và kỷ luật đảng viên.

Theo đó, Ủy ban đề xuất kỷ luật khiển trách đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Quang Thành; Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Trần Đình Nhân; Phó tổng giám đốc Ngô Sơn Hải và 3 giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Để thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, sếp lớn EVN bị đề xuất kỷ luật - 1

Theo Bộ Công Thương, dự báo việc cung ứng điện trong giai đoạn cuối năm 2023 và thời gian tới dự báo còn nhiều khó khăn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ủy ban khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với các cá nhân khác có liên quan theo nguyên tắc công minh, khách quan, không bỏ lọt tập thể cá nhân có vi phạm, khuyết điểm. Đồng bộ với công tác kiểm điểm, xử lý kỷ luật, Ủy ban cũng đã triển khai thực hiện công tác cán bộ tại EVN.

Trong đó, trên cơ sở trao đổi với nhân sự, Ủy ban xem xét, điều động nhận nhiệm vụ khác hoặc cho nghỉ công tác đối với tổng giám đốc theo nguyện vọng; giao nhân sự khác nhận bàn giao phụ trách công tác điều hành và tổ chức kiện toàn nhân sự thay thế, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trước đó, tại kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã chỉ ra 5 tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.

Thứ nhất là chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện.

Thứ hai, EVN và các đơn vị có liên quan không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.

Thứ ba là điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm.

Thứ tư là vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.

Thứ năm là để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.