Đề nghị áp thuế VAT “tượng trưng” cho gạo

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, vừa có đề xuất gửi Bộ Tài chính xin giảm thuế VAT đối với gạo tiêu thụ trong nước xuống còn 0,5%.

Đề nghị áp thuế VAT “tượng trưng” cho gạo
VFA cho rằng các doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh với tư thương trên thị trường nội địa vì thuế VAT 5%
 
Giảm thuế để đảm bảo công bằng
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Theo quy định hiện hành, các mặt hàng gạo xuất khẩu đều được áp dụng  mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 0%. Trong khi đó, gạo sản xuất ra để tiêu thụ nội địa vẫn phải chịu thuế 5%. VFA đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế này còn 0,5%, một mức khá tượng trưng nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo trong nước. 
 
Hiệp hội này dẫn thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó lượng gạo tiêu thụ nội địa thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% chỉ chiếm thấp hơn 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2015, bình quân mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 22 – 22,5 triệu tấn gạo, trong đó gạo dành cho xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, gạo tự tiêu dùng (để ăn, làm giống và chăn nuôi) khoảng 11,5 triệu tấn,  lượng tiêu thụ qua phân phối lưu thông chỉ khoảng 3,5 triệu tấn. 
 
Trong cơ cấu đó, ước tính có tổng cộng khoảng 18,5 triệu tấn gạo sản xuất ra đang được tiêu thụ mà không phải chịu thuế VAT, gồm 7 triệu tấn gạo xuất khẩu và 11,5 triệu tấn tự tiêu dùng. Như vậy, chỉ còn lại khoảng 3,5 triệu tấn gạo còn lại đưa vào kênh phân phối cho người tiêu dùng cuối cùng trong nước là thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5%. 
 
Tuy nhiên theo VFA, trên thực tế số thuế VAT thực thu thấp hơn đáng kể so với tỷ trọng 15% nói trên, do tập quán kinh doanh tiêu dùng mặt hàng này của người dân chủ yếu là thông qua hệ thống bán lẻ của tư thương và các chợ truyền thống, vốn chỉ nộp khoản thuế khoán với tỷ lệ thấp hơn nhiều. 
 
Ngân sách thu được không bao nhiêu, trong khi việc áp dụng thuế VAT 5% lại gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất theo quy mô lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Vì tư thương, hàng xáo có thể không biết đến khoản thuế này, nhưng các doanh nghiệp thì đều phải nộp đúng, nộp đủ. 
 
Trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn có thói quen chọn mua gạo xá, gạo qua các kênh của tư nhân, chợ truyền thống thì khoản thuế 5%, tương đương 400 đồng/kg gạo - theo VFA - khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường nội địa. 
 
VFA cho rằng, chính vì điều này nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, mô hình liên kết, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, kéo theo việc doanh nghiệp mất cơ hội xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và tính cạnh tranh quốc gia ngay tại sân nhà!.
 
Cạnh tranh kém không phải vì 5% thuế VAT!
 
Hiệp hội này viện dẫn thực tế hệ thống kênh phân phối, cửa hàng kinh doanh lương thực của các doanh nghiệp ngày một thu hẹp và mất dần, và cho rằng sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi mục tiêu an ninh lương thực và chính sách bình ổn giá của Chính phủ khi thị trường mất cân đối. 
 
Ngoài ra, cần lưu ý là từ thời điểm 1/1/2015, mặt hàng gạo, tấm nhập khẩu từ nước ngoài đã được miễn thuế nhập khẩu thay vì mức 5% như trước đây, thực hiện theo Thông tư số 165/2014 của Bộ Tài chính về ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018. 
 
Như vậy, gạo nhập khẩu từ các nước trong khu vực, cụ thể như Thái Lan, đang có cùng mặt bằng chi phí thuế với gạo Việt Nam khi đưa vào kênh phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng trong nước. Đây cũng là một áp lực cạnh tranh không nhỏ. 
 
Hiện chưa biết đề xuất của VFA có được chấp thuận hay không. Trao đổi với PLVN, một chuyên gia trong ngành cho rằng ông ủng hộ việc bỏ thuế VAT đánh vào gạo tiêu thụ nội địa nhưng không đồng tình đối với việc VFA lấy đó làm lý do để biện hộ cho năng lực cạnh tranh trên “sân nhà” của các doanh nghiệp, và rằng vì thế cho nên “mất cơ hội xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao” và “các cửa hàng lương thực ngày càng thu hẹp”.
 
“Để xảy ra thực trạng như vậy là vì trong nhiều năm liền, cả hai Tổng Công ty Lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2 chậm đổi mới trong kinh doanh để bắt kịp thời thế chứ không phải vì khoản thuế VAT 5%” – vị này nói thẳng.
 
Theo Hà Hương
Pháp Luật Việt Nam
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”