Đầu tư tài chính cá nhân: Cảnh báo từ vụ "công ty biến mất chỉ sau một đêm"

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Những công ty được lập ra với mục đích không phải kinh doanh, chủ yếu để huy động tài chính thường nhắm vào những cá nhân không có nhiều hiểu biết về lĩnh vực, như cách đưa các con mồi vào bẫy.

Cẩn thận với đầu tư tài chính cá nhân

"Cẩn thận với đầu tư tài chính cá nhân" là ý được chị Uyên Vũ - Founder, CEO công ty UNA International trụ sở tại Sydney (Australia) - khẳng định ở một bài đăng trên mạng xã hội.

Chị kể lại câu chuyện về đầu tư tài chính cá nhân mà nhân vật chính là người thân của mình. Theo đó, năm 2022, mẹ của Uyên Vũ có nói đến việc bà đang tham gia đầu tư tài chính cá nhân. Cụ thể, bà dùng khoản tiền nhàn rỗi đầu tư vào những công ty có tiềm năng và nhận lãi hàng tháng. Mức lãi dao động 20-25%.

Để con gái thêm phần tin tưởng, mẹ của Uyên Vũ đưa ra những bản hợp đồng giữa công ty và nhà đầu tư cá nhân. Bản hợp đồng tương đối dài, không mấy ai có thể đọc hết.

"Hợp đồng pháp lý đàng hoàng, công ty pháp nhân đầy đủ. Sự kiện có cả shark (cá mập - nhà đầu tư) tham dự", mẹ của Uyên Vũ mô tả.

Đầu tư tài chính cá nhân: Cảnh báo từ vụ công ty biến mất chỉ sau một đêm - 1

Uyên Vũ - influencer, người truyền cảm hứng kinh doanh (Ảnh: Uyên Vũ).

Cuối cùng, Uyên Vũ cho biết chị cảm thấy may mắn khi được nghe câu chuyện này sớm và đã kịp thời ngăn cản không để mẹ gia nhập "mạng lưới" trên.

Kể từ thời điểm Uyên biết đến bản hợp đồng, chỉ nửa năm sau đó, công ty trên "biến mất". Mọi thông tin về lãnh đạo, nhân viên đều không tìm được. Ngoài việc không thể liên lạc được với người chịu trách nhiệm, trụ sở công ty cũng đóng cửa.

"Tất cả hoàn toàn biến mất chỉ sau một đêm", chị Uyên kể lại.

Từ đây, Uyên Vũ cho hay với những trường hợp này, dù người bị hại có kiện ra tòa, người chịu trách nhiệm phải chấp nhận thi hành án thì số tiền bị mất cũng khó lấy lại.

Người không có kiến thức dễ sập bẫy

Khác với đầu tư tài chính cá nhân, các quỹ đầu tư hay những người đầu tư cá nhân vào các start up ở giai đoạn đầu lại được gọi là nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm vì rủi ro xác định rất cao.

Bên cạnh đó, hầu hết người đầu tư dạng này đều có nhiều kiến thức trong ngành, trong nghề, có thẩm định, kiểm toán tài chính rõ ràng bởi một bên độc lập trước khi rót vốn. Tuy nhiên, kinh doanh không thể nói trước, đặc biệt với những công ty mới thành lập.

Chăm chỉ và cố gắng là chưa đủ. Kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Do vậy, đầu tư dạng này mới được gọi là đầu tư mạo hiểm. Có nghĩa là với 10 thương vụ, chỉ có 1-2 thương vụ có tỷ suất sinh lời cao.

Đó là câu chuyện của đầu tư vào các start up. Còn đối với đầu tư tài chính cá nhân, trường hợp giống với mẹ chị Uyên, hầu hết nhà đầu tư cá nhân đều không có kiến thức trong lĩnh vực mình đầu tư, chỉ đơn giản thấy lãi cao gấp đôi ngân hàng nên quyết định tham gia.

Chị Uyên khẳng định những công ty lập ra với mục đích không phải kinh doanh mà chủ yếu để huy động tài chính vào những mục đích khác thường đánh vào những cá nhân không có nhiều hiểu biết về tài chính, kinh doanh. Họ cam kết lãi suất cao, thêm một vài chiêu thức đánh bóng là đủ đưa các con mồi vào bẫy.

Có không ít trường hợp "nạn nhân" là những người lớn tuổi, về hưu, dùng toàn bộ số tiền đã tích góp để mang đi đầu tư và bị mất sạch.

"Tiền mất tật mang, bao gia đình tan nát. Mọi người hãy hết sức cảnh giác đối với những hình thức đầu tư tài chính, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế đi xuống", Uyên Vũ khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Uyên Vũ đưa lời khuyên cho những người có tiền nhàn rỗi, muốn làm giàu bằng cách đầu tư tài chính cá nhân.

Theo chị Uyên, phương Tây có câu "too good to be true" (quá tốt để có thể trở thành sự thật) phù hợp với câu chuyện này. Điều đó có nghĩa là bất cứ thứ gì có được dễ dàng, những lời mời gọi mang lại lợi ích lớn cho mình, bạn nên đặt ngược câu hỏi vì sao, tại sao mọi thứ lại tốt đẹp đến vậy?

Bên cạnh đó, dù là đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào, nhà đầu tư cũng nên trang bị cho mình những kiến thức về tài chính cá nhân, kiến thức về đầu tư thật vững chãi.

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Duy Chuyền (Doctor Housing) cho rằng lý do nhiều người chọn góp vốn đầu tư với doanh nghiệp mà không tự làm bởi muốn có lợi nhuận nhưng không phải làm gì ngoài việc bỏ tiền ra. Đây là tâm lý muốn kinh doanh nhưng làm biếng. 

Khi đầu tư với doanh nghiệp, thường các công ty sẽ đưa ra cam kết lợi nhuận khi kêu gọi vốn. Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam, chưa có công ty nào, gồm cả tập đoàn lớn, thực hiện được lời hứa ban đầu. 

Anh Chuyền nhấn mạnh rằng nếu tham gia đầu tư tài chính cá nhân, đừng hy vọng người kêu gọi vốn sẽ trả lại bạn tiền. Có nhiều lý do để mô hình kinh doanh mà bạn đầu tư phải chấm dứt giữa chừng. 

Ngoài ra, theo anh, hầu hết công ty cam kết lợi nhuận đều không thực hiện được. Nếu làm được, họ đã vay ngân hàng và chịu lãi suất 8% một năm mà không phải đi kêu gọi vốn, dùng tiền của các bạn và trả lãi suất 20-30% như vậy.

Bên cạnh đó, luật pháp chưa đủ chặt chẽ để răn đe, xử phạt những người kêu gọi vốn, lừa đảo góp vốn đầu tư chung nên mô hình này ngày càng nở rộ. Người đầu tư không sáng suốt sẽ dễ gặp phải những công ty lừa đảo.

Đầu tư tài chính cá nhân: Cảnh báo từ vụ công ty biến mất chỉ sau một đêm - 2

Đầu tư tài chính cá nhân chủ yếu nhắm vào những người thiếu kiến thức, theo chuyên gia (Minh họa: Freevector).

Trên thực tế, có không ít những công ty mang danh kêu gọi đầu tư tài chính cá nhân nhưng thực tế là lừa đảo.

Chẳng hạn mới đây, báo Dân trí đưa tin Nguyễn Minh Tân (32 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Minh Tân thành lập nhiều công ty và chi nhánh ở một số địa phương nhưng hầu như không hoạt động gì. 

Trong năm 2022, lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty Linh Yến Phi, Tân đưa ra thông tin gian dối như cho vay đáo hạn ngân hàng, đóng thuế dự án,... để huy động vốn của khách hàng và sau đó chiếm đoạt sử dụng.

Bước đầu, có ít nhất 6 người đã tố giác Tân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 25 tỷ đồng.