Giá dầu xuống thấp nhất 6 tháng sau tin bất ngờ về dự trữ xăng dầu của Mỹ

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá dầu thế giới đã giảm khoảng 4% trong phiên giao dịch hôm qua, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng sau báo cáo bất ngờ về dự trữ xăng dầu của Mỹ và quyết định nâng sản lượng của OPEC.

Theo đó, giá dầu Brent chốt phiên hôm qua giảm 3,76 USD, tương đương giảm 3,7%, xuống còn 96,78 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 21/2.

Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ cũng giảm 3,76 USD, tương đương giảm 4%, xuống mức 90,66 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 10/2. Trong phiên, có thời điểm, các hợp đồng dầu giao dịch ở mức 90,38 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 25/2.

Giá dầu xuống thấp nhất 6 tháng sau tin bất ngờ về dự trữ xăng dầu của Mỹ - 1

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao bất ngờ so với dự đoán của các nhà phân tích (Ảnh: Reuters).

Giá dầu giảm mạnh sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước do xuất khẩu giảm và các nhà máy lọc dầu hoạt động thấp hơn. Dự trữ xăng cũng bất ngờ tăng lên do nhu cầu chậm lại.

Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 4,5 triệu thùng trong tuần trước, đảo ngược dự đoán giảm 600.000 thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng cũng tăng 200.000 thùng, so với kỳ vọng giảm 1,6 triệu thùng của các nhà phân tích.

Bod Yawger, Giám đốc về hợp đồng năng lượng giao kỳ hạn tại Mizuho, cho rằng dự trữ dầu thô cao hơn dự đoán là tốt nhưng dự trữ xăng cao hơn lại gây thất vọng vì chưa bao giờ dự trữ xăng lại giảm trong mùa hè.

Trong cuộc họp hôm qua, các bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm cả Nga, được gọi là OPEC+, đã thống nhất chỉ nâng rất ít sản lượng, tương đương 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu. Trong khi trước cuộc họp, OPEC+ dự báo thị trường dầu năm nay sẽ tăng thêm từ mức khoảng 200.000 thùng/ngày lên 800.000 thùng/ngày.

Nhà Trắng cho biết chính quyền Biden đang tập trung để hạ nhiệt giá dầu. Do đó, Mỹ đã yêu cầu OPEC+ tăng cường sản lượng. Tuy nhiên, với công suất hạn chế, Saudi Arabia chỉ có thể miễn cưỡng tăng sản lượng ở mức đủ bù đắp cho lượng thiếu hụt từ Nga do các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngoài ra, dưới áp lực của giá dầu, các quan chức của Iran và Mỹ cho biết họ đang tới Vienna (Áo) để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về chương trình hạt nhân của Iran, làm sống lại những hy vọng đã tan biến về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran, cản trở việc xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới của nước này.

Về phía cầu, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) một lần nữa khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát đang tăng cao, điều đó đồng nghĩa ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, một quan chức của Fed cho rằng mức tăng lãi suất 0,5% trong tháng tới có thể đủ để đạt được mục tiêu về lạm phát.

Chỉ số đồng USD, theo dõi diễn biến của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn khác, cũng đang tăng, gây áp lực lên nhu cầu bằng cách khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn so những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, giá dầu đang được hỗ trợ bởi thông tin nguồn cung đã giảm đáng kể từ Caspian Pipeline Consortium (CPC) - công ty kết nối các mỏ dầu của Kazakhstan với cảng Novorossiisk ở Biển Đen của Nga - dù CPC không cung cấp số liệu cụ thể.

Trên trang oilprice sáng nay, giá dầu đang nhích nhẹ trở lại, giao dịch ở mức 90,93 USD/thùng với dầu WTI và 96,99 USD/thùng với dầu Brent, tăng lần lượt ở mức 0,3% và 0,22%.

Theo Reuters