Đầu năm 2021, doanh nghiệp Việt đứng ngoài "miếng bánh" 3 tỷ USD
(Dân trí) - Dù nền kinh tế xuất siêu gần 3 tỷ USD, nhưng hầu hết "chiến công" này là của khu vực doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhóm doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 45 ngày đầu năm mới 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch hơn 38,4 tỷ USD, thặng dư hơn 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi phân tích con số, không phải quá đáng mừng, các doanh nghiệp FDI xuất siêu, doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Nếu các doanh nghiệp trong nước không nhập siêu, con số thặng dư thương mại của Việt Nam trong 45 ngày đầu năm mới có thể tăng hơn 5 tỷ USD.
Trong danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu tỷ USD, xuất khẩu có 7 nhóm hàng tỷ USD, cụ thể là gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 1,8 tỷ USD, hàng dệt may hơn 3,7 tỷ USD, giày dép các loại 2,5 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hơn 5,4 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện hơn 7,8 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng hơn 4,3 tỷ USD và phương tiện vận tải, phụ tùng hơn 1,2 tỷ USD.
Danh mục hàng nhập khẩu tỷ USD bao gồm có chất dẻo nguyên liệu 1,2 tỷ USD, vải các loại 1,4 tỷ USD, sắt thép các loại 1,1 tỷ USD, máy vi tính, điện tử và linh kiện 8 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện hơn 2,8 tỷ USD, máy móc, thiết bị phụ tùng hơn 5,2 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 loại hàng trị giá tỷ USD của Việt Nam trong 45 ngày đầu năm mới ước đạt 26,6 tỷ USD, trong khi đó 6 loại hàng nhập khẩu ước đạt giá trị 19,7 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất và thương mại của khu vực FDI thời gian qua vẫn duy trì tính hiệu quả. Kim ngạch xuất khẩu 45 ngày qua ước đạt 29 tỷ USD, chiếm hơn 75,5% giá trị xuất khẩu cả nước, trong đó nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD, chiếm 67% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Khu vực doanh nghiệp FDI có thặng dư thương mại đạt 5,1 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực trong nước có kim ngạch xuất khẩu chỉ 9,4 tỷ USD, trong khi nhập khẩu gần 12 tỷ USD, thâm hụt thương mại hơn 2,4 tỷ USD.
Dữ liệu này cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra ở thị trường nước ngoài, chưa kết hợp được với các doanh nghiệp, chưa vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động thương mại lớn trên thế giới.
Thực tế, năm 2020, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn có sự chênh lệch rất lớn. Từ năm 2018 đến nay, khu vực trong nước thường xuyên rơi vào cảnh nhập siêu lớn.
Cụ thể, năm 2020, khi cả nền kinh tế xuất siêu gần 20 tỷ USD, trong đó khu vực FDI xuất siêu được hơn 33 tỷ USD, thì khu vực trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD.
Năm 2019, khi nền kinh tế xuất siêu hơn 10,8 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu gần 34 tỷ USD, nhưng khu vực trong nước nhập siêu hơn 23 tỷ USD.
Cũng tương tự vậy, năm 2018, cả nước xuất siêu gần 7 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu hơn 29,7 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu hơn 22,8 tỷ USD.
Thành tích xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI luôn lớn, dao động 3 năm qua là từ 29 đến gần 34 tỷ USD, là do khu vực doanh nghiệp trong nước luôn ở trong trạng thái nhập siêu nặng.