Đầu cơ vé tàu Tết, "cò" vé vẫn hoành hành

Mặc dù ngành đường sắt đã cải tiến bán vé tàu Tết qua mạng Internet, tuy nhiên hàng trăm trường hợp mua vé thành công trên mạng đã bị “mất vé”. Tại các ga Hà Nội và Sài Gòn, “cò” vé vẫn hoạt động. Cảnh người đứng ngồi vạ vật chờ mua vé tàu Tết vẫn xảy ra.

Mua vé tàu Tết tại ga bắt buộc phải có CMND
Mua vé tàu Tết tại ga bắt buộc phải có CMND

Chưa quen mua vé qua mạng

Năm nay, ngành đường sắt đã rút kinh nghiệm, nâng cấp đường truyền để tránh tình trạng “sập” mạng khi quá đông người cùng truy cập vào mua vé. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, có thời điểm, 30.000 người cùng truy cập một lúc vào hệ thống. Đến thời điểm ngày 11-12, tổng số người truy cập vào website đặt chỗ mua vé tàu là 1.178.646 lượt. Với dung lượng như trên, hệ thống vẫn đảm bảo thông suốt, không bị quá tải và nghẽn mạng.

Tuy vậy, không ít người đã mua vé tàu thành công trên mạng nhưng khi ra ga nhận vé lại không có. Trong những ngày đầu tiên bán vé tàu Tết qua Internet (1-12), đã có khoảng 324 vé tàu được đặt thành công trên mạng nhưng người dân không nhận được vé. Ông Đoàn Duy Hoạch cho hay, do hành khách chuyển đổi phương thức thanh toán hoặc bị các đối tượng xấu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống hủy chỗ của hành khách. VNR đã cùng với FPT khắc phục, hạn chế sự cố không để lan rộng và đảm bảo quyền lợi của hành khách, ngay từ ngày 10-12.

Đại diện FPT khẳng định, hoàn toàn không có việc hacker tấn công website bán vé. Website đã bán được 120.620 vé chỉ trong 10 ngày mở bán vé (từ ngày 1-10/12). Nếu có hacker tấn công thì đã tê liệt hệ thống, chứ không thể chỉ ảnh hưởng 20 trường hợp. Theo đại diện của FPT, 20 trường hợp mua vé ảo, ông Đoàn Duy Hoạch nói đến ở trên, là các trường hợp mua vé mà khai thông tin sai. Ví dụ: Họ và tên đăng ký mua vé chỉ có chữ “A”, số điện thoại không tồn tại, email sai, số chứng minh thư không đúng. Các trường hợp này đều không thể mua được vé. 

Trong khi đó, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết: “Chúng tôi đã kéo dài thêm thời gian giữ vé cho khách từ 10 phút lên 30 phút, kéo dài thời gian giữ chỗ của phương thức thanh toán trực tuyến từ 24h lên 48h”. Cũng chính bởi tình trạng này nên ngày 6-12, khi ga Sài Gòn công bố mở bán vé tàu Tết Nguyên đán tại ga, đã có khoảng 1.000 người ùn ùn kéo đến mua vé vì lo ngại mua qua mạng gặp rủi ro. Việc này đã gây tắc nghẽn cục bộ tại ga Sài Gòn, nhiều người phải ngồi vạ vật tại ga để chờ mua vé tàu. Chỉ đến khi nhân viên nhà ga phổ biến, tuyên truyền cho người dân, tình trạng này mới tạm ổn, số người kéo đến ga mua vé mới giảm.

Khó mua hộ vé tàu Tết

Dù đã cải tiến với nhiều hình thức bán vé tàu, nhưng tình trạng cò vé vẫn hoạt động ở ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhìn nhận, ông vừa đi thực tế tại ga Sài Gòn và thấy hiện tượng “cò” vé là có thật. Ga Sài Gòn có hiện tượng khai CMND rởm để mua vé. “Cò” vé ngang nhiên tuyên bố có thể lo được cho hành khách lên tàu... “Chúng tôi đã quy định, tất cả vé tàu bán qua mạng phải ghi số CMND của hành khách, hệ thống sẽ lưu và in luôn lên vé để đảm bảo quyền lợi cho hành khách có nhu cầu đi tàu thực sự. Nếu số CMND không khớp trên vé, coi như không hợp lệ”, ông Trần Ngọc Thành cho hay.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc ngành đường sắt đã phát hiện ra bao nhiêu trường hợp “cò” vé, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR chia sẻ: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp “cò” vé nào. Để tránh “cò” hoạt động, VNR đã quy định, việc mua hộ vé tàu vào thời điểm này là rất khó. Hơn nữa, hành khách mua vé tại ga bắt buộc phải xuất trình CMND. Ngành đường sắt tạo mọi điều kiện cho người dân mua vé song phải đúng quy định để tránh vé tuồn ra ngoài”. Còn ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, mục tiêu khi xây dựng hệ thống bán vé tàu hiện đại là hành khách phải được hưởng dịch vụ thân thiện, giao diện đơn giản, dễ dùng, chống đầu cơ vé “chợ đen”. “Nếu trường hợp người nhà đau ốm, già cả không đi lại được mà cần mua hộ vé tàu, lúc đó sẽ giao Trưởng ga xem xét, quyết định”, ông Trần Ngọc Thành cho hay.

Để tránh tình trạng mất tiền oan, ông Trần Ngọc Thành khuyến cáo người dân nên mua vé qua Internet, còn với những người không đủ điều kiện để tiếp cận công nghệ tin học, có thể đến 6.000 bưu cục của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đặt mua vé. Còn với những người vẫn giữ thói quen đến ga mua vé,  ngành đường sắt luôn mở 14 cửa vé tại các ga chính để phục vụ. Trong thời gian tới, VNR sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng cho phép sử dụng vé điện tử thay thế vé giấy truyền thống, khi đó người dân không cần ra ga in vé mà có thể trực tiếp cầm vé điện tử đi tàu. 
 
 
Theo Ngân Tuyền
An ninh Thủ đô
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”