1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

DATC từ bỏ “giải cứu” doanh nghiệp vào phút cuối sau gần 10 năm theo đuổi

(Dân trí) - Khi sắp sửa "chốt" vụ mua nợ của Ngân hàng Phát triển (VDB) tại CT.JSC thì DATC bất ngờ tuyên bố không tiếp tục tham gia mua khoản nợ này vì cho rằng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay không còn tính khả thi. Lỗ lũy kế tại CT.JSC vào giữa năm 2016 đã lên tới gần 218 tỷ đồng.

Công ty CT.JSC trước khi cổ phần hóa (năm 2004) là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mặc dù hoạt động chính là tư vấn thiết kế nông nghiệp, nhưng trước thời điểm chuyển thành công ty cổ phần, CT.JSC lại được Bộ NN&PTNT duyệt cho làm chủ đầu tư của hai dự án: Dự án xây dựng Nhà máy dứa Như Thanh và Dự án xây dựng Vùng nguyên liệu dứa cho Nhà máy dứa Như Thanh. Đây là hai dự án đầu tư lớn của tỉnh Thanh Hóa. Hai dự án trên được triển khai thực hiện từ năm 2000, nguồn vốn đầu tư chủ yếu vay Vietcombank Hà Nội (VCB Hà Nội), VDB Thanh Hóa và Agribank Thanh Hóa.

Năm 2004, Nhà máy dứa Như Thanh được đưa vào vận hành sản xuất và là đơn vị hạch toán phụ thuộc của CT.JSC. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, khai thác gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ, chủ đầu tư không được vay tiếp vốn. Mặc dù chính quyền đã có nhiều biện pháp, nhiều đối tác tiềm năng để hợp tác nhằm vực dậy hai dự án trên nhưng không thành công.

Nhà máy dừng sản xuất từ năm 2007 kéo theo dự án vùng nguyên liệu dứa cho nhà máy cũng bị phá sản. CT.JSC không còn khả năng trả nợ và ở vào tình trạng bị phá sản doanh nghiệp.

Số âm vốn chủ sở hữu của CT.JSC từ năm 2010 là 136,6 tỷ đồng đã tăng lên 217,7 tỷ đồng tại 30/6/2016 (Ảnh: Nhà máy dứa Như Thanh)
Số âm vốn chủ sở hữu của CT.JSC từ năm 2010 là 136,6 tỷ đồng đã tăng lên 217,7 tỷ đồng tại 30/6/2016 (Ảnh: Nhà máy dứa Như Thanh)

Theo đề nghị của các ngân hàng và CT.JSC về bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, từ năm 2008, DATC đã xem xét, tiếp nhận hồ sơ và lập phương án mua nợ để xử lý nợ cho hai dự án, qua đó tái cơ cấu cho CT.JSC.

Tại thời điểm 31/12/2010, DATC định hướng sau khi mua nợ từ các ngân hàng, chủ nợ sẽ thực hiện tái cơ cấu cho CT.JSC. Tổng nợ DATC kế thừa từ các ngân hàng và chủ nợ khác là 160,2 tỷ đồng. Dự kiến, xử lý tồn tại tài chính cho doanh nghiệp 136,6 tỷ đồng. DATC sẽ cùng CT.JSC nâng vốn điều lệ công ty lên thành 10 tỷ đồng, trong đó, DATC sẽ chuyển nợ thành vốn góp là 8 tỷ đồng.

Việc đàm phán mua bán khoản nợ tồn đọng của VDB tại CT.JSC kéo dài từ 2009 đến nay, nâng mức giá mua từ 952 triệu đồng, tương đương 10,6% dư nợ gốc lên 15,12% dư nợ gốc, tương đương mức giá mua nợ của VCB Hà Nội mặc dù tài sản đảm bảo cho khoản nợ của VDB thấp hơn nhiều tài sản bảo đảm nợ của VCB.

Do quá trình mua nợ VDB và xử lý nợ kéo dài, các chi phí, trong đó có chi phí lãi tiền vay gia tăng nên doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ nhiều hơn và ảnh hưởng về hiệu quả của phương án tái cơ cấu.

Mới đây trong văn bản do DATC báo cáo lên Bộ Tài chính thì số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thời điểm 30/6/2016 cho thấy, doanh nghiệp có tổng tài sản là 6,7 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 224,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 219,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 217,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nhiều năm nay. Nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê văn phòng không đủ trang trải các chi phí văn phòng cho CT.JSC.

DATC cho biết, việc mua nợ của VDB đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Số âm vốn chủ sở hữu từ năm 2010 là 136,6 tỷ đồng đã tăng lên 217,7 tỷ đồng tại 30/6/2016.

Do vậy, cho rằng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay không còn tính khả thi nên DATC cho biết, đơn vị này không tiếp tục tham gia mua khoản nợ này.

Trước đó, DATC cho biết, nếu VDB được bán nợ cho DATC thì DATC sẽ cùng các nhà đầu tư xử lý tồn tại tài chính và tái cơ cấu cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần ổn định an sinh xã hội, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất cho các chủ nợ, trong đó có cả VDB.

Trường hợp VDB không bán nợ cho DATC thì CT.JSC bị phá sản, khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ, trong đó có cả VDB sẽ rất khó khăn.

Bích Diệp