1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dùng tiền ngân sách mua nợ xấu: Không đổ nợ lên vai người dân

(Dân trí) - Trước lo ngại xử lý nợ xấu không đến đầu đến đũa, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đưa ra phương án dùng tiền ngân sách để xử lý một phần nợ xấu trong Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

Xung quanh ý kiến này, nhiều chuyên gia đặt ra mối quan tâm cũng như cách thức dùng tiền ngân sách ra sao để xử lý nợ xấu khi tiền ngân sách hiện đang eo hẹp và nếu dùng tiền ngân sách thì phải xử lý nợ xấu bằng cách khác chứ không thể như hiện nay là "nhốt để đấy".

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng đã được đưa xuống dưới 3%, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015.

Dùng tiền ngân sách mua nợ xấu: Không đổ nợ lên vai người dân - 1

Nợ xấu mua nhiều, bán ít, chỉ làm chỗ đỗ xe, nhốt nợ

Trong 6 tháng đầu năm 2016 con số nợ xấu được xử lý là khoảng 59,71 nghìn tỷ đồng, trong đó bán cho VAMC là gần 9.000 tỷ đồng; khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được 7,24 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tính đến 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua khoảng 241.000 tỷ đồng nợ xấu (trừ đi số nợ xấu đã bán được từ trước đó). Trong khi đó số bán ra là rất ít, theo VAMC công bố số nợ xấu bán ra năm 2015 chỉ khoảng 8%, đạt 20.000 tỷ đồng (trong tổng số nợ xấu mà VAMC mua về hết năm 2015 là khoảng 250.000 tỷ đồng).

Cũng theo số liệu công bố của Kiểm toán Nhà nước, việc mua nợ xấu của VAMC trong mấy năm qua có tăng, song số nợ xấu bán ra rất ít, Đặc biệt VAMC mới chỉ mua được nợ xấu chứ chưa có biện pháp bán ra để xử lý dứt điểm. Cụ thể trong số hơn 96.455 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng trong nước năm 2014 được kiểm toán Nhà nước thanh tra, số bán được chỉ đạt 627 tỷ đồng, đạt chưa đầy 1%.

Với những dữ liệu trên, lo ngại lớn nhất là bỏ tiền ngân sách ra mua nợ xấu, nếu không hiệu quả thì chỉ chuyển nợ của DN sang nợ của ngân sách và người dân.

Chia sẻ với báo giới, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: Xử lý nợ xấu bằng ngân sách Nhà nước cũng là một biện pháp thế giới áp dụng nhưng cần có cơ chế xác định giá thị trường, không mua cao, bán thấp gây mất vốn Nhà nước. Các nước cũng đã sử dụng tiền ngân sách từ khoảng 7 -10% GDP để giải quyết nhanh nợ xấu. Tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam, phải xem lấy tiền ngân sách chỗ nào để giải quyết nợ xấu.

"Chúng ta nên thực hiện việc mua nợ xấu theo giá thị trường như đã đề ra, và phải trả bằng tiền thật. Để có tiền, VAMC sẽ đứng ra vay, với sự bảo lãnh của Chính phủ, từ các tổ chức quốc tế hoặc trên thị trường tài chính. Khi nợ xấu được bán, VAMC lấy tiền đó trả nợ, mức chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị nợ sổ sách có thể được hỗ trợ bằng một khoản vay dài hạn cho ngân hàng", ông Thành nói.

Trên thực tế, theo chuyên gia Thành, việc mua nợ xấu vừa qua mới chỉ là mua trên giá trị sổ sách nên rất ít DN nào dám mua lại. Do đó, cần nhìn rõ thực trạng này để có giải pháp tận cùng. Nhiều DN trong nước, thậm chí cả nước ngoài rất muốn mua nợ xấu vì họ tin là xử lý được, nhưng khi nhìn vào giá trị sổ sách và bảng cân đối tài chính, thu chi và tài sản của khối nợ xấu, họ lắc đầu quay đi.

Cần thị trường hóa minh bạch trong mua bán nợ xấu

Cũng về đề xuất xử lý nợ xấu bằng ngân sách, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho hay: "Việt Nam chưa có thị trường nợ xấu đúng chuẩn quốc tế, đó là cách xác định nợ xấu vẫn chỉ một số bên như ngân hàng, con nợ và VAMC, giá mua là giá trị sổ sách do đó khi bán rất khó. Nợ xấu dồn toa về VAMC như kiểu chỗ trú chân, nhốt tạm, không ai mua, không thu hút được nguồn lực xã hội".

Nếu bây giờ dùng ngân sách thì cần mua bằng giá thị trường, giá trị thật của khoản nợ. Tức là những nợ xấu được mua về phải được cơ quan độc lập đánh giá giá trị, nhiều khoản nợ xấu có thể bị chiết khấu đi chỉ còn 10% giá trị thực và số nợ của sổ sách, cũng phải xử lý.

"Nếu đã dùng tiền ngân sách thì phải xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, chứ không thể giao đống tài sản cho VAMC như hiện nay làm được. Nợ xấu cần mua bằng tiền thật, giá trị thật và được bán theo giá thị trường, xác định giá của các DN nữa", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi công bố báo cáo Kiểm toán, quyết toán của Kiểm toán Nhà nước cho nhiệm vụ năm 2015 vào cuối tháng 8/2016, ông Dương Quốc Anh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay: Ủy ban Kinh tế Quốc hội chưa có thông tin cụ thể về đề xuất lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu. Quan điểm của ông Anh là nợ xấu của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) họ phải có trách nhiệm đầu tiên, nếu các bên không là được mới đến Nhà nước tham gia.

Ông Anh cho hay, hiện có 4 nguồn vốn để chúng ta xử lý nợ xấu, trong đó bắt đầu từ nguồn vốn của hộ gia đình; các doanh nghiệp, NHTM (đây là những đối tượng làm phát sinh nợ xấu). Thứ ba mới là sự tham gia của: Ngân sách Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Anh, xử lý nợ xấu ở Việt Nam qua vài năm đã hiện ra nhiều khó khăn về cơ chế mua và bán, nên rối như mớ bòng bong.

"Các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc thời gian vừa qua, khi nợ xấu các NHTM không tự giải quyết được thì họ phải bán nợ xấu theo mức giá thị trường cho Nhà nước, chủ yếu ở đây là Bộ Tài Chính để xử lý. Hàn Quốc cũng có mô hình thực hiện tương tự như vậy. Họ lập ra một cơ quan để đánh giá tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu mua về. Tại Thái Lan, nước này cũng phải mất 30 năm để xử lý nợ xấu của các tổ chức ngân hàng, từ phát hành trái phiếu quốc tế sau đó đến huy động các DN trong nước tham gia", ông Anh cho hay

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm