Mua bán nợ theo cơ chế thị trường: Giải pháp triệt để xử lý nợ xấu?
(Dân trí) - Để xử lý triệt để nợ xấu còn cần phải có các giải pháp cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy thị trường phát triển, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC (Nghị định 53) và Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 của NHNN về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC (Thông tư 19), hằng năm, VAMC có trách nhiệm xây dựng Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường trình NHNN chấp thuận, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với quy định của pháp luật, NHNN đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN ngày 12/4/2016 về việc xây dựng và triển khai Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC (Quyết định 618). Quyết định số 618 mang tính chất tổng thể, định hướng cho VAMC khi thực hiện hoạt động mua nợ xấu theo giá trị thị trường, theo Nghị định số 53 và Thông tư số 19 nêu trên, trong đó quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự thực hiện, nguồn vốn được sử dụng và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.
Trên cơ sở quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và định hướng tại Quyết định số 618, kế hoạch hoạt động kinh doanh, VAMC xây dựng Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường hằng năm trình NHNN chấp thuận. Để triển khai thực hiện hiệu quả Phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC, Quyết định số 618 đã quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc NHNN trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, hỗ trợ VAMC về hoạt động, công nghệ, nguồn nhân lực, triển khai Đề án thành lập thị trường mua bán nợ tập trung với vai trò trung tâm của VAMC...; hỗ trợ, khuyến khích TCTD bán nợ theo cơ chế thị trường; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 618.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, mua bán nợ theo cơ chế thị trường chỉ là một giải pháp xử lý nợ của VAMC, TCTD. Để có hiệu quả trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường thì cần các điều kiện như: Nguồn lực về vốn của VAMC; Thị trường mua bán nợ hiệu quả và phát triển (thông qua có nhiều giao dịch với nhiều người tham gia mua bán nợ,...). Ngoài ra, việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường chỉ làm hiện thực hóa những tổn thất liên quan đến khoản nợ đối với TCTD.
Đây không phải là giải pháp triệt để để xử lý khoản nợ xấu. Khoản nợ xấu, khách hàng vay của khoản nợ xấu vẫn tồn tại chưa được xử lý. Để xử lý triệt để nợ xấu còn cần phải có các giải pháp cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy thị trường phát triển, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Về chính sách vĩ mô cần xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án xử lý nợ xấu (bao gồm nợ ngân hàng, nợ của doanh nghiệp với nhau, nợ doanh nghiệp với các định chế tài chính khác, thuế,...) và tái thiết doanh nghiệp của nền kinh tế.
Để xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo Lãnh đạo VAMC, về phía NHNN, trước hết, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, sử dụng linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế hợp lý và an toàn hệ thống ngân hàng;
Hai là, cần có sự chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững; tạo điều kiện hỗ trợ xử lý và hạn chế phát sinh mới nợ xấu của TCTD.
Ba là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng, quản trị rủi ro, an toàn hoạt động của các TCTD, trong đó ban hành, triển khai và áp dụng các quy định về quản trị rủi ro của TCTD theo nguyên tắc Basel; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC và các TCTD. Tái định hướng chiến lược hoạt động tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả và nâng cao năng lực quản trị của các TCTD là yếu tố then chốt nhằm phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng. Do đó, cần tiếp tục tái cơ cấu các TCTD. Tăng cường tính công khai, minh bạch của TCTD trong hoạt động tín dụng, hạn chế tập trung tín dụng vào một số nhóm khách hàng hoặc ngành nghề hoặc tập trung vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bốn là, đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng, định hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020.
Năm là, yêu cầu các TCTD tiếp tục tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường năng lực về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực của VAMC để VAMC triển khai thực hiện việc mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt; triển khai có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu đã mua từ TCTD.
Bảy là, phối hợp các cơ quan chức năng hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, trình tự, thủ tục khởi kiện, thi hành án và các quy định khác có liên quan (quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng, đất đai...).
Phương Linh