1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đắt khách, taxi hóa… xe dù

(Dân trí) - Mặc dù Tết đã trôi qua được một tuần, các tài xế taxi vẫn nại lý do “tết” để tắt bộ đếm, ép giá khách đi xe.

Trở lại Hà Nội vào lúc 4 giờ sáng sau chuyến tàu từ Huế, anh Trần Ngọc Bảo cùng vợ và hai con vẫy taxi từ ga về nhà ở đường Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, các xe taxi cứ lần lượt dừng lại và lắc đầu vì lý do quãng đường anh đi quá ngắn.
 
Đắt khách, taxi hóa… xe dù - 1
Nhu cầu đi lại tăng cao, thời tiết khắc nghiệt và sự mệt mỏi của khách chính là điều kiện thuận lợi để cánh taxi "chặt chém" (Ảnh: H.K)

 

Do trời rét và lượng người trở lại Hà Nội đông, nhu cầu taxi tăng vọt nên các tài xế taxi đều lựa chọn khách đi quãng đường dài.

 

Cả gia đình anh Bảo phải cuốc bộ ra cách xa khu vực ga khoảng 200m mới vẫy được một xe. Nhưng chưa yên chỗ ngồi trên xe anh đã bị tài xế ra giá 200.000 đồng.

 

Do bình thường vẫn đi từ ga về nhà hết khoảng 50.000 đồng, anh Bảo phản ứng liền được tài xế giải thích: “Tết nhất mà, ai cũng thế cả. Anh xem bao nhiêu người còn vẫy kia kìa”. Cuối cùng, anh Bảo đành móc túi 200.000 đồng để được về nhà vì sợ hai đứa nhỏ bị rét.

 

Cùng chuyến tàu với anh Bảo, một gia đình 12 người từ Quảng Bình ra cũng “cắn răng” trả 300.000 cho 2 chuyến xe từ ga về Kim Liên.

 

Nhiều người cố cự nự để hạ giá nhưng chỉ nhận được một câu trả lời cụt ngủn cùng cái đóng cửa không mấy thiện cảm của cánh tài xế taxi.

 

Theo quan sát của PV, hầu hết xe taxi hoạt động ở các bến tàu, bến xe tại Hà Nội đều tắt bộ đếm quãng đường và hét giá cao gấp đôi, gấp ba để ép khách vì nhu cầu xe quá cao.

 

Anh Trần Đình Phúc (quê Đà Nẵng) sau một hồi mặc cả với tài xế taxi tại bến xe Giáp Bát đành phải đi xe ôm về nhà ở Hoàng Cầu vì không chấp nhận nổi cái giá mà các tài xế đưa ra.

 

“Gọi tổng đài vào giờ sáng sớm không thấy nhấc máy, có tổng đài thì báo hết xe. Còn các xe chờ sẵn ở bến thì đều tắt đồng hồ, phải ngả giá trước khi đi. Đi taxi mà chẳng khác gì xe ôm cả”, anh Phúc bực dọc cho biết.

 

Trên chuyến taxi giá “cắt cổ” về nhà vào sáng sớm, PV được tài xế giải thích: “Anh thông cảm đi, trước Tết cấm đường, tắc đường triền miên bọn em kiếm ăn rất khó. Tranh thủ được mấy ngày Tết bù lại chút ít chứ đáng bao nhiêu đâu”.

 

Con số “bao nhiêu đâu” mà anh này đưa ra tương ứng với mức thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/ngày, như chính anh tài xế thú nhận. Theo anh, nghề lái taxi chỉ trông mong vào các dịp lễ Tết, còn ngày thường tiền xăng lúc kẹt xe và tiền phạt do vi phạm Luật giao thông khiến thu nhập của họ còn khá ít ỏi, không đủ sống.

 

Anh tài xế cũng cho biết, các hãng taxi có gắn bộ cảm ứng để biết lúc nào xe chở khách, nhưng đều “du di” cho qua để tài xế kiếm thêm ngày tết.

 

“Cũng sợ thanh tra giao thông hay cảnh sát giao thông phát hiện và xử phạt, nhưng thường ngày Tết các cơ quan chức năng bớt kiểm tra ráo riết, hơn nữa phương tiện cũng đông đúc nên xác suất bị phát hiện, xử phạt là rất thấp”, anh này cho biết.

 

Theo giới kinh doanh, buôn bán lâu năm tại các bến xe, bến tàu thì thực trạng này không có gì mới mẻ nhưng ít thấy sự xuất hiện của các cơ quan chức năng. Còn trong cuộc mặc cả với tài xế taxi, khách hàng bao giờ cũng rơi vào thế yếu vì sự mệt mỏi sau chuyển đi dài, thời tiết lạnh giá và nhu cầu xe quá lớn khiến cánh tài xế có quyền chọn khách, chọn đường và ra giá.

 

H.K