Hoạt động taxi: Vi phạm nhan nhản, quản lý bất cập!?

(Dân trí) - Đó là kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sau 2 đợt thanh tra toàn diện hoạt động của taxi chở khách việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vừa được công bố.

Theo Thanh tra Bộ GTVT, quá trình thanh tra đã phát hiện những tồn tại của loại hình kinh doanh này. Cùng với một số bất cập trong cơ chế chính sách thì trách nhiệm của cơ quan quản lý GTVT địa phương vẫn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh dẫn tới việc các doanh nghiệp vi phạm hàng loạt.

Đã có 26 doanh nghiệp bị thanh tra về 9 nội dung của hoạt động kinh doanh vận tải taxi tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, kết quả cho thấy mặt tích cực thì ít mà những tồn tại, tiêu cực thì nhiều.
 
Hoạt động taxi: Vi phạm nhan nhản, quản lý bất cập!? - 1
Việc quản lý hoạt động kinh doanh taxi ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập
(Ảnh minh họa: SGTT)

Tại Hà Nội, kết quả thanh tra cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động nhưng Sở GTVT là cơ quan quản lý cấp địa phương lại không phát hiện ra. Chỉ đến khi Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra thì Sở này mới… “tá hỏa”.

Cụ thể, trong số 12 doanh nghiệp Bộ GTVT tiến hành thanh tra thì có đến 5 doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định và nhiều tồn tại khác. Trong đó, Công ty CP Hùng Hải Khuê (hãng Taxi Mùa Xuân) không có người quản lý điều hành, trung tâm điều hành, các phù hiệu taxi đã hết hạn từ 15.10.2011 và các xe đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho các cổ đông. Bởi vậy, khi bị thanh tra “sờ gáy” thì cty này đã có văn bản đề nghị được giải thể!?

Tại TP.HCM, có tổng số 14 hãng taxi bị thanh tra thì 5 hãng bị “trảm” do vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó có 3 hãng taxi trong sân bay Tân Sơn Nhất bị cho là “bát nháo” nhất đã phải dừng kinh doanh vĩnh viễn.

Được biết, vi phạm chủ yếu là các hãng taxi nhỏ, còn các hãng lớn được đánh giá là có quy định chặt chẽ.

Trao đổi với PV Dân trí, Chánh Thanh tra Bộ GTVT - ông Nguyễn Xuân Hào, cho biết: “Chúng tôi thực hiện thanh tra đột xuất đối với các hãng, vì vậy thanh tra tới đâu là phát hiện vi phạm tới đó, nhiều công ty vận tải chỉ có 4 xe, không có bộ máy điều hành, quản lý lỏng lẻo, xe thuê thương hiệu quá nhiều và hồ sơ lao động không có. Đợt thanh tra này nhằm mục tiêu chấn chỉnh hoạt động của loại hình vận tải taxi và phát hiện những bất cập trong quản lý để kiến nghị sửa đổi”.

“Một số hãng taxi đã bị đình chỉ không có bộ đàm, không có bộ máy điều hành, do không nhiều vốn đầu tư nên thành lập doanh nghiệp taxi chỉ để cho thuê logo vì vậy không thể quản lý được lái xe. Khi chúng tôi kiểm tra tại một hợp tác xã vận tải ở TP.HCM và yêu cầu gọi lái xe về nhưng chủ hãng phải dùng điện thoại di động vì cả hệ thống không có bộ đàm. Tuy nhiên, đến cả chủ tịch HĐQT gọi mà lái xe cũng không về thì làm sao quản lý được” - ông Hào cho hay.

Câu hỏi đặt ra ở đây là các Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM đi đâu khi doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn được kinh doanh 1 cách đàng hoàng cho đến khi Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc thì các Sở mới giật mình, ngã ngửa?

Tuy nhiên, điều này được ông Hào lý giải rằng: “Các Sở GTVT địa phương đã thiếu xót trong công tác hậu kiểm do công tác thanh kiểm tra, nhất là ở Hà Nội, TPHCM rất lớn, nhân lực có hạn nên cũng phải thông cảm. Lực lượng thanh tra ở 2 thành phố này còn phải làm nhiều việc khác”.

Rõ ràng bất cập và vi phạm xảy ra ở đây là do có sự buông lỏng của các Sở chức năng địa phương từ việc cấp phép đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi. Tuy nhiên, đoàn thanh tra chỉ kiến nghị các Sở này thực hiện đúng quy trình, tiến độ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu xe taxi và tăng cường quản lý, kiểm tra, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã, tức là hoạt động thanh tra mới chỉ chỉ ra tồn tại của doanh nghiệp chứ chưa làm rõ trách nhiệm quản lý của Sở GTVT địa phương.

Trên thực tế, trong quy định thành lập doanh nghiệp taxi hiện nay chưa có quy định số lượng xe tối thiểu. Có thể khi được cấp phép thành lập, hãng có đầy đủ bộ đàm, bộ máy quản lý để đối phó sau đó họ cắt. Điều này thể hiện địa phương cũng không có biện pháp hậu kiểm.

Để hạn chế tình trạng vi phạm của hoạt động kinh doanh taxi, Thanh tra Bộ GTVT cho biết sẽ kiến nghị nâng mức xử phạt cao hơn vì mức xử phạt như hiện nay chưa có tính chất răn đe, kiến nghị phải áp dụng các biện pháp phạt bổ sung… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi những quy định về kinh doanh taxi cho phù hợp với thực tế như cần có quy định ràng buộc về số lượng xe tối thiểu, bởi đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, sẽ đề nghị sửa đổi thông tư 14/2010/TT-BGTVT về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Phạt bổ sung sẽ được kiến nghị là theo hình thức Thanh tra giao thông có quyền dừng xe taxi trên đường để kiểm tra chíp điện tử, lần đầu xe vi phạm sẽ báo về hãng, đến vi phạm lần thứ 2 có thể đình chỉ hoạt động của toàn hãng. Những trường hợp càn quấy phải xử lý cao hơn.

Liên quan đến việc thanh tra hoạt động taxi, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu sẽ kiểm tra tiếp bởi qua thanh tra một đợt đã đình chỉ nhiều hãng và có thể sẽ còn những hãng khác tồi hơn nên cần kiểm tra tất cả các hãng taxi đang hoạt động để đảm bảo tính công bằng.

Quỳnh Anh