“Hiến kế” đi taxi ngày Tết... tránh bị “chặt chém”

Một số hãng taxi cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc "làm giá" của các tài xế trong dịp Tết Nhâm Thìn, đồng thời “hiến kế” cho khách hàng để tránh bị “chặt chém”.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, nhu cầu đi taxi của người dân tăng đột biến, dẫn đến tình trạng khan hiếm xe. Đây cũng là "cơ hội vàng" để taxi "dù" mặc sức bắt chẹt khách, một số tài xế các hãng taxi cũng coi đây là một dịp “ăn nên làm ra” nhờ “làm giá”.

 

Cam kết không tăng giá

 

Trao đổi với PV, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết, Hiệp hội sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. “Dù dịp Tết có xảy ra tình trạng cháy xe thì các đơn vị cũng sẽ không tăng giá. Đó không chỉ vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn là đạo đức kinh doanh”.

 

“Hiến kế” đi taxi ngày Tết... tránh bị “chặt chém” - 1
Các hãng taxi cho biết sẽ giữ nguyên giá cước niêm yết như ngày thường dịp Tết này.

 

Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc điều hành taxi ABC, cho hay, do nhu cầu đi lại dịp Tết bằng taxi tăng đột biến nên hằng năm vẫn thường xảy ra tình trạng cháy xe đối với hầu hết các hãng. “Để phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân, chúng tôi đã cho tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ số xe của hãng để đảm bảo 100% xe có thể phục vụ trong ngày Tết. Rút kinh nghiệm những năm trước, đến dịp cao điểm thường xe xảy ra hỏng hóc”.

 

Về vấn đề giá cả, ông Hải khẳng định, sẽ không tăng giá dịp Tết, đồng thời nếu phát hiện trường hợp tài xế nào vòi vĩnh, chèn ép khách sẽ có hình thức xử lý thích đáng. “Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng thanh tra, kiểm tra dày đặc để giám sát hoạt động taxi của hãng. Lực lượng này có thể giả làm khách hàng để phát hiện những tài xế làm giá”, ông Hải nói.

 

Hiện, taxi ACB có 3 loại xe taxi với 3 mức cước khác nhau. Loại xe Innova 7 chỗ có giá cước là 13.000 đồng/km cho 30 km đầu tiên, xe 5 chỗ có giá 12.000 đồng/km và 10.000 đồng/km cho loại xe 4 chỗ.

 

Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng kinh doanh hãng taxi Vạn Xuân cho biết, dù Tết là thời điểm nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân tăng cao nhưng taxi Vạn Xuân không tăng giá, vẫn giữa nguyên giá cước như ngày thường. Đồng thời, các tài xế cũng phải cam kết đi theo đồng hồ , nếu tự ý tăng giá sai quy chế sẽ bị "xử lý" ngay.

 

Tránh bị “chặt, chém” cách nào?

 

Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 115 hãng taxi với 15.000 xe hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Bình, vào thời điểm Tết, lượng khách tăng đột biến, lại thêm lệnh cấm taxi vào một số tuyến phố nên tình trạng “cháy” taxi chắc chắn sẽ tái diễn. “Thời gian cận Tết, khách có nhu cầu đi taxi về các tỉnh lẻ rất lớn do vậy gọi xe sẽ rất khó khăn. Nhất là vào giờ cao điểm bởi tài xế ngại di chuyển, chỉ có thể đón khách ở những khu vực gần , trong nội đô vì nếu di chuyển xa, tắc đường sẽ tốn nhiên liệu”, ông Bình nói.

 

Theo ông Bình, để tránh tình trạng không gọi được xe, khách hàng nên đăng ký trước với các hãng xe về nhu cầu của mình, tốt nhất là đăng ký với các lái xe quen để họ chủ động đón vào giờ cần đi. Nếu đăng ký với hãng, nên yêu cầu hãng được liên lạc với một lái xe cụ thể để đặt lịch.

 

Vế giá cước taxi trong những ngày Tết, ông Bình cho rằng để tránh tình trạng bị “chặt chém”, khách hàng nên biết cách nhận dạng và tránh gọi xe dù. Còn với các hãng taxi, Hiệp hội đã yêu cầu giữ nguyên bảng niêm yết giá như ngày thường, các hãng taxi cũng đều đã cam kết. Lúc thanh toán tiền cước, khách hàng nên ghi nhớ số xe, tên hãng, số xe phải trùng với số xe nằm bên trong xe để khi gặp rắc rối như quên đồ đạc có thể liên lạc với hãng để nhận lại hoặc nếu bị ép giá có thể báo lại với hãng để hãng có biện pháp xử lý tài xế đó. “Giá cước của từng hãng cũng đã niêm yết công khai ngoài thành xe, khách hàng có thể nhìn số km để tự động nhẩm ra số tiền cần thanh toán tránh bị “móc túi”, ông Bình cho hay.

 

Ông Bình cũng cho rằng, thời điểm Tết, tài xế taxi làm việc khá vất vả, do vậy, khách hàng nên tránh phiền toái cho họ bằng cách không nên gọi nhiều hãng taxi cùng một lúc tránh trường hợp nhiều tài xế cũng đến, nhưng không đón được khách. “Chỉ nên gọi hãng khác khi tổng đài đã từ chối cuộc gọi của mình”, ông Bình nói.

 

Còn ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam cũng cho biết, dịp Tết, người dân đi lại bằng xe khách cũng rất hay bị các chủ xe tăng giá vô tội vạ. Nguyên nhân chính khiến tình trạng này xảy ra là do tâm lý hiệu ứng đám đông của hầu hết khách hàng. “Có khi xe vừa tới bến, khách trên xe chưa kịp xuống, người dân đã ào lên vì sợ bị mất chỗ, chẳng ai chịu vào quầy mua vé mà đều trả trực tiếp cho phụ xe. Chính vì vậy, phụ xe có cớ để tăng giá”, ông Thành cho hay.

 

Theo ông Thành, để tránh bị “chặt chém”, khách hàng nên vào quầy mua vé. “Giá vé là mức giá do chính nhà xe đưa ra. Khi có vé trên tay, chắc chắn có chỗ ngồi và nhà xe sẽ không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào của khách hàng. Bến xe cam kết có đủ vé và đủ xe cho khách hàng trong những ngày cao điểm”, ông Thành nói.

 

Theo Minh Tùng
Đất Việt