Trong thế giới chứng khoán Hà Thành:
Đào tạo chứng khoán - nóng như lò luyện thi
(Dân trí) - Cơn lốc chứng khoán đã và đang xâm thực mọi mặt đời sống Hà Thành. Giờ đây, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu người ta đều mải mê nói về chứng khoán, chơi chứng khoán với nhiều nỗi niềm háo hức: Cách kiếm tiền nhanh nhất, nhàn nhất và dễ nhất.
Đua nhau đi học chứng khoán
“Sức nóng” của chứng khoán đang lan toả khắp mọi nơi. Cách đây không lâu, chứng khoán chỉ được rỉ tai trong giới doanh nhân giàu có, hay những quán cà phê sang trọng. Còn bây giờ hai từ “chứng khoán” đã có mặt trong câu chuyện của giới bình dân, từ người bán rau, chạy xe ôm hay sinh viên với nhiều câu chuyện “tiền từ trên trời rơi xuống”.
Thấy tôi rụt rè hỏi chuyện chơi chúng khoán, anh bạn nhìn tôi từ đầu xuống chân bảo: “Ông sinh thời nào thế, bây giờ không biết gì về chứng khoán thì gọi là “ngố rừng”, hiểu chưa?”. Rồi anh thủng thẳng buông một câu: “Muốn làm giàu, tốt thôi, nhưng trước tiên phải làm một khóa “bổ túc” chứng khoán, đầu tư trước tiên là phải đầu tư cho kiến thức”. Đúng không cãi được nhưng học ở đâu, như thế nào? “Đến các sàn giao dịch chứng khoán, lên mạng mà tìm. Nhiều như quân Nguyên”, anh phán.
Vào trang tìm kiếm Google đánh cụm từ “hướng dẫn đầu tư chứng khoán” hoặc “đào tạo chứng khoán”, sau vài giây đã có hàng mấy nghìn kết quả. Hàng chục khóa đào tạo về chứng khoán liên tục được mở của các tổ chức, đơn vị. Từ Trung tâm nghiên cứu khoa học & đào tạo chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các trường đại học có liên quan đến kinh tế, thương mại, tài chính và các công ty… với nhiều lời quảng cáo cực kỳ hấp dẫn: “Học chứng khoán - chơi chứng khoán - trúng chứng khoán”, “Bắt đầu làm giàu từ ngày hôm nay”...
Theo các địa chỉ ghi trên quảng cáo, nơi đầu tiên chúng tôi ghé chân là cơ sở của Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại 234 Lương Thế Vinh, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đập vào mắt là hàng chục người đứng ngồi la liệt chờ đăng ký học chứng khoán. Ngay cả chúng tôi ngơ ngác tìm chỗ liên hệ làm việc cũng gặp nhiều người hỏi thăm “đăng ký học chứng khoán ở đâu”. Theo nhiều người đến đăng ký thì học ở chỗ này là chính thống nhất, giá rẻ nhất lại được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học. Liên hệ với lễ tân thì được biết, trước mắt cứ ghi tên, lúc nào xếp được lớp sẽ liên hệ.
Tiến sĩ Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Ra tết lượng người đến đăng ký tăng vọt so với trước. Các khóa học được mở liên tục, mỗi ngày có mấy ca học nhưng không đủ. Hiện Trung tâm còn khoảng 1.000 người đã đăng ký đang chờ được xếp khóa mới”. Ông Quý cũng chưa thể trả lời được khi nào thì những người này được xếp lớp bởi số lượng giảng viên, khóa học mới chỉ có hạn.
Tại các nơi có đào tạo chứng khoán khác như trường đại học Tài chính - Kế toán, đại học Ngoại thương… đều trong tình trạng quá tải. Vừa thông báo có lớp học mới, chỉ sau một vài ngày danh sách đăng ký đã kín chỗ.
Nóng như… lò luyện thi
Thu nhập của giảng viên chứng khoán
Với tình hình các khóa đào tạo chứng khoán nở như nấm sau mưa thì người dạy chứng khoán trở nên rất có giá. Các giảng viên có tiếng của Ủy ban Chứng khoán, hoặc các trường đại học được mời chào quyết liệt với mức thù lao ngất ngưởng.
Một giảng viên chứng khoán tiết lộ: “Thù lao mỗi buổi dạy khoảng 1 triệu đồng”. Nhiều giảng viên tên tuổi hiện “chạy sô” như ca sĩ với cả chục buổi/tuần. Tính ra thu nhập của họ không dưới 30-40 triệu đồng/ tháng.
Những người viết bài đã chứng kiến nhiều giảng viên đi dạy bằng những chiếc ô tô đắt tiền. |
Thoạt nhìn qua các lớp đào tạo chứng khoán, người ta sẽ nghĩ ngay đến các lò luyện thi bởi hàng trăm con người chen chúc. Vào đây, không ai cần đến bàn ghế tiện nghi mà chỉ cần có một chỗ ngồi đầu, làm sao để nghe, nhìn cho rõ. Tiến sĩ Quý cho hay, mỗi khóa học chỉ tối đa là 100 học viên nhưng do nhu cầu của công chúng nên phải tăng từ gấp 3-4 lần so với trước đây.
Tại lớp học chứng khoán do khoa Tài chính - Ngân hàng, trường đại học Ngoại thương tổ chức, số học viên có trên 150 người và phải thuê hội trường của Trường đào tạo phụ nữ Trung ương. Một cán bộ tổ chức khóa học cho biết học viên yêu cầu nên phải hội trường mới đáp ứng được.
Lớp đào tạo chứng khoán tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán nằm tít tận tầng 4. Phòng học là một hội trường lớn với gần 300 người đang căng tai nuốt lấy từng chữ của giảng viên qua micro. Học viên vừa nghe vừa mải miết ghi chép. Lớp học khá yên tĩnh khi giảng viên nói đến các thuật ngữ chuyên ngành. Nhưng khi liên hệ về những trường hợp mua bán cổ phiếu cụ thể thì không khí lớp học như vỡ ra vì sự trao đổi giữa học viên với nhau và giảng viên.
Đa số những người đi học là nam thanh nữ tú, thỉnh thoảng cũng bắt gặp một vài người đã đứng tuổi nhưng giữa họ không có khoảng cách. Giờ giải lao nhiều người đứng tụm năm tụm ba “hướng nghiệp” cho nhau. Nào là “mua cổ phiếu khách sạn Kim Liên ngay nhé, sắp lên sàn rồi” hoặc “đừng lo, cổ phiếu ấy chỉ giảm một vài hôm rồi lên ngay, không xuống nữa đâu, cố ôm đi”. Anh Nguyễn Minh Đức, nhân viên một nhà xuất bản cho biết: “Cái hay đi học chứng khoán là biết thêm nhiều bạn bè, qua họ mình khôn nhiều ra, dễ hiểu hơn cả thầy nói”.
Không khí “hiếu học” còn được thể hiện trong giờ giải lao, giảng viên không được nghỉ mà liên tục bị học viên xúm vào hỏi: “Thầy ơi, sao thầy bán cố phiếu Vietcombank sớm thế?”. Nhưng nhiều nhất vẫn là câu hỏi “thầy ơi, em nên mua cổ phiếu nào, chỉ cho em cổ phiếu nào nhanh có lãi ấy?”. Thầy phì cười : “Nếu thế tôi đi chơi chứng khoán chứ đứng ở đây làm gì?”
Tan học, nhiều người còn đeo bám theo giảng viên cho tới lúc lên xe nổ máy. Một giảng viên chứng khoán cho biết, nhiều học viên xin số điện thoại để rồi “mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi của học viên, toàn là đánh “con” này (cổ phiếu này - PV), “ôm” con kia, hoảng quá phải đổi số”.
Nhóm P.V