Trong thế giới chứng khoán Hà Thành:

1001 kiểu “ăn theo” chứng khoán

(Dân trí) - Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam đang kéo theo hàng loạt các dịch vụ ăn theo. Và, cũng giống như như con ngựa chứng không cương là thị trường chứng khoán, các dịch vụ này bùng phát với sự thiếu kiểm soát , thật giả lẫn lộn.

“Loạn” đào tạo chứng khoán.

Sự lên xuống thất thường của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra tham gia một lớp học chứng khoán là cách đầu tư khôn ngoan nhất để hạn chế rủi ro và kiếm tiền “bền vững” hơn. Nắm bắt được điều này, nhiều tổ chức, đơn vi, cá nhân đã  nhanh chân nhảy vào mở các “lò” khóa đạo tào chứng khoán ngắn hạn.

Hiện nay, Hà Nội đã có hàng chục cơ sở đào tạo chứng khoán, ngoài Trung tâm nghiên cứu khoa học & đào tạo chứng khoán, các trường đại học có liên quan đến kinh tế, tài chính, nhiều công ty, các trung tâm đào tạo dù không liên quan đến tài chính hay kinh tế đã nhảy vào. Nhiều  nơi cố  gắn mác “liên kết” với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay các trường đại học để mở lớp chiêu sinh.

 

Nội dung các khóa học tại các khóa học đều na ná như nhau bao gồm 1 lớp cơ bản và 1 lớp nâng cao , được quảng cáo “thiết kế theo một chương trình riêng với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành”. Giá cả giao mỗi khóa chênh nhau chênh nhau một trời một vực, chỗ rẻ nhất gần 600 nghìn đồng, đắt nhất trên 1 triệu đồng cho 5-6 buổi học bao gồm cả tài liệu và giải khát giữa giờ. Sự cạnh tranh giữa các “lò”  đạo tạo cũng đang diễn ra khốc liệt, các lò đưa ra nhiều chiêu khuyến mại giảm giá, mời các giảng viên giỏi về dạy. Tất nhiên, giảng viên càng có tên tuổi thì học phí càng cao.

 

Tiến sĩ Tôn Tích Quý, Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán cho biết, trong giai đoạn khởi đầu việc phổ cập kiến thức chứng khoán cho công chúng là cần thiết nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng tự phát, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt. Ngay tại trung tâm nay trong thời gian qua, đã có nhiều học viên phàn nàn bị mất tiền oan bởi có nhiều lớp học bên ngoài tổ chức theo kiểu “thầy biết một nhưng nói mười”, theo đó, các nhà đầu tư bị được trang bị một mớ kiến thức láo nháo và định hướng đầu tư “chỉ tay năm ngón”.

 

Khoa Tài chính- Ngân hàng, đại học Ngoại thương cho biết đã có tình trạng nhiều cơ sở đào tạo đã mạo danh đại học Ngoại thương để chiêu sinh, đơn vị này đã phải liên tục khuyến cáo, người học cần liên hệ với “chính chủ”.

 

1001 kiểu “ăn theo” chứng khoán - 1

 Ăn theo đào tạo chứng khoán, nhiều loại sách viết về chứng khoán do các nhà xuất bản, tư nhân và cả những nhà in lậu đã nhan nhản xuất hiện trên thị trường. Hàng trăm đầu sách, cả tây lẫn ta với những đầu đề câu khách như: Bí quyết làm giàu từ đầu tư chứng khoán,  Cẩm nang đầu tư chứng khoán… đang trở thành “best seller”.

 

Tuy nhiên, khi lật những cuốn sách này ra mới thấy có rất nhiều vấn đề,  nhiều cuốn sách có nội dung na ná nhau, biên tập cẩu thả…Trong các đầu sách của một nhà xuất bản L , một số quyển giống nhau ngay cả lời giới thiệu. Thậm chí có quyển chỉ dày 200 trang nhưng dành gần 100 trang để đăng bản cáo bạch cho một công ty, không rõ là quảng cáo cho doanh nghiệp hay là lấp chỗ trống???

 

1001 dịch vụ ăn theo chứng khoán

 

“Bạn đang đầu tư chứng khoán, thời cơ đang đến với bạn nhưng bạn lại đang thiếu vốn? Đừng bỏ lỡ thời cơ đó, hãy gọi điện cho tôi” Trên đây là một trong những mẩu quảng cáo đang xuất hiện nhan nhản trên các báo mua bán hoặc các trang tin điện tử.

 

Nắm bắt được nhu cầu vốn của những người chơi chứng khoán, nhiều người có sẵn tiền đã đứng ra cho vay vốn với điều kiện người vay vốn phải có các tài sản để thế chấp như nhà cửa, sổ đổ hoặc cổ phiếu. Trong khi vay vốn ngân hàng, người vay phải làm các thủ tục rắc rối thì ở đây mọi việc được tiến hành nhanh chóng, gọn nhẹ.

 

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ việc này cho thấy có rất nhiều vấn đề phát sinh. Bởi các giao dịch được tiến hành do các cá nhân đứng ra và không có sự bảo lãnh của cơ quan pháp luật. Trong khi đó chứng khoán phụ thuộc nhiều vào yếu tố rủi ro và nếu xảy ra người vay sẽ phải chịu nhiều thiệt hại. Mặt khác không loại trừ gặp những kẻ lừa đảo, người vay vốn sẽ mất “cả chì lẫn chài”.

 

Ngoài việc cho vay vốn, cầm cố chứng khoán, thì một nghề mới đã xuất hiện là “chơi chứng khoán thuê”, nghĩa là một số người có có kiến thức, điều kiện đứng ra chơi hộ cho một hoặc nhiều người, sau đó, tiền lãi được ăn chia theo tỷ lệ 30-70 hay 40-60.

 

Một trong các dịch vụ “ăn theo” chứng khoán hiện nay thì vấn tin chứng khoán phát triển khá rậm rộ với hàng chục tổng đài. Ngoài gọi điện thoại, các nhà đầu tư còn có thể nhắn tin để biết giá cả các loại cổ phiếu sụt giảm trong ngày hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều người khi sử dụng các dịch vụ này đã phàn nàn “thông tin chủ yếu là cóp nhặt từ trên báo, tốt nhất là lên sàn”.

 

Hiện nay, các nhà đầu tư chứng khoán đã thận trọng hơn trong việc việc đầu tư, họ dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin về các doanh nghiệp trước khi mua chứng khoán. Từ đó, báo chí, các tờ tin điện tử trở nên đắt “sô” với hàng loạt quảng cáo về đại hội cổ đông, báo cáo tài chính… doanh nghiệp nào có quảng cáo này thì y như rằng giá cố phiếu tăng ầm ầm.

 

Mới điểm qua đã thấy, xung quanh thị trường chứng khoán đang có 1001 kiểu “ăn theo” chứng khoán. Những dịch vụ này, một mặt đáp ứng khách quan sự phát triển sôi động của thị trường chứng khoán nhưng mặt khác, do còn mới mẻ nên mang tính tự phát. Nếu không có sự kiểm soát sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

 

Nhóm PV Dân trí

Dòng sự kiện: Tôi đi tôi thấy