Đang sốt vó lo chống dịch, nữ Giám đốc "ôm" 900 tỷ đồng "cao chạy xa bay"
(Dân trí) - Lấy lí do mùa dịch hàng hoá không lưu thông để trì hoãn việc làm ăn, nữ Giám đốc đã biến mất cùng khoản tiền đầu tư gần 900 tỷ đồng.
Năm 2017, bà Mai - Giám đốc Công ty Mai Lâm có rủ ông Bùi Xuân Hùng hợp tác đầu tư mua gỗ từ châu Phi về Việt Nam bán. Bà Mai là người đứng ra giao dịch mua hàng ở châu Phi, bán hàng ở Việt Nam, còn ông Hùng góp vốn và hưởng lợi nhuận. Đến nay, tổng số tiền ông Hùng đã góp vốn hợp tác với bà Mai là trên 59 tỷ đồng.
Việc hợp tác triển khai từ đầu năm 2018, phía bà Mai thanh toán hợp đồng cho ông Hùng theo định kỳ 2 tháng/lần. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán ngày 15/3, ông Hùng không thấy bà Mai trả tiền. Ông Hùng liên lạc nhiều lần, thì bà Mai hẹn ngày 30/3 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền hợp tác đầu tư.
Đợi đến sáng 31/3, không thấy bà Mai thanh toán, ông Hùng gọi điện thì bà Mai đã tắt máy. Trực tiếp đến nhà bà Mai, ông Hùng chỉ gặp bố mẹ bà Mai và được cho biết, bà Mai đã đi khỏi nhà từ tối 30/3.
Không chỉ cầm tiền của ông Hùng, bà Mai còn “ôm” tiền của bà Liên và bà Hà và nhiều người khác. Theo nguồn tin, số tiền bà Mai đã kêu gọi đầu tư, hợp tác và số tiền các đơn vị, cá nhân cho đến nay đã lên tới trên 900 tỷ đồng.
Tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ tăng lãi 277%
Nhà đầu tư có phản ứng tích cực với HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sau khi tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2019-2020 (từ 1/1/2020 đến 31/3/2020) với lãi sau thuế ước đạt 200 tỷ đồng, tăng tới 277% so với cùng kỳ dù sản lượng tiêu thu và doanh thu giảm lần lượt 8,6% và 16,3% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ quý 2 của Hoa Sen ở mức 338.674 tấn và doanh thu 5.780 tỷ đồng.
Lý giải cho tình huống doanh thu giảm khá mạnh như lợi nhuận tăng “sốc”, phía Hoa Sen cho biết đã thực hiện hàng loạt biện pháp quản lý để giảm hàng tồn kho, giảm nợ vay ngân hàng, tiết giảm chi phí. Lợi nhuận gộp tăng và chi phí giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn này tăng mạnh.
Doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 bùng phát kể từ đầu tháng 2 khiến sức tiêu thụ của thị trường giảm khi khách hàng trở nên thận trọng hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm so với cùng kỳ.
Thương vụ 700 tỷ của thiếu gia Hoà Phát "cứu" cổ phiếu
Ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long , Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG, giao dịch theo phương thức khớp lệnh từ 27/3 đến 21/4/2020.
Như vậy trong vòng hơn 1 tháng, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG với số tiền chi ra quanh mức 700 tỷ đồng để sở hữu 1,44% vốn điều lệ của Hoà Phát. Qua đó, góp phần "kéo giá" HPG hồi phục mạnh hơn 36% từ đáy.
Nữ đại gia thay chồng làm Chủ tịch đại lý Mercedes lớn nhất Việt Nam
Vừa qua, Hội đồng quản (HĐQT) Haxaco đã ban hành nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Đỗ Tiến Dũng và bổ nhiệm bà Vũ Thị Hạnh thay thế.
Đáng chú ý, bà Vũ Thị Hạnh là vợ của ông Đỗ Tiến Dũng và là cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này. Cụ thể, ông Dũng sở hữu 22,82% vốn cổ phần Haxaco còn bà Hạnh sở hữu 14,9%.
Trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT thì bà Hạnh từng là Thành viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm toán nội bộ của Haxaco.
Kế hoạch cao tay của nữ tướng Mai Kiều Liên
Trong phiên giao dịch ngày 24/4, cổ phiếu VNM tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này công bố quyết định Hội đồng quản trị về việc mua lại 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1% vốn điều lệ thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Với mức giá này, VNM dự kiến sẽ phải chi tới 1.800 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.
Theo đó, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT -đăng ký mua 400.000 cổ phiếu. Động thái này được cho là để kích cầu VNM và hỗ trợ giá cổ phiếu. Trong số các lãnh đạo Vinamilk đã báo cáo giao dịch thì bà Mai Kiều Liên là người duy nhất mua hết số lượng đăng ký.
Một thông tin khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh có thể cũng đã ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu VNM đó là việc hãng sữa này đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc. Đây là động thái nhằm thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu của Vinamilk sang thị trường 1,4 tỷ dân giai đoạn 2020-2021.
Thế Hưng
Tổng hợp