Thương vụ 700 tỷ đồng của thiếu gia Hoà Phát "cứu" cổ phiếu công ty

(Dân trí) - Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, thiếu gia nhà ông Trần Đình Long đã chi khoảng 700 tỷ đồng để sở hữu cổ phần tại Hoà Phát và qua đó, góp phần "kéo giá" HPG hồi phục mạnh hơn 36% từ đáy.

Thương vụ 700 tỷ đồng của thiếu gia Hoà Phát cứu cổ phiếu công ty - 1

Gia đình ông Trần Đình Long đang sở hữu hơn 34% cổ phần tại Hoà Phát

Cổ phiếu Hoà Phát tăng hơn 36% từ đáy

Ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát vừa báo cáo lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến người nội bộ công ty đại chúng.

Theo đó, ông Minh cho biết đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG, giao dịch theo phương thức khớp lệnh từ 27/3 đến 21/4/2020.

Trong khoảng thời gian mà ông Minh thực hiện giao dịch trên, giá cổ phiếu HPG dao động trong khoảng giá từ 16.200 đồng đến 21.200 đồng. Tính ra, ông Trần Vũ Minh đã phải chi tối thiểu 324 tỷ đồng và con số này có thể lên tới 424 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 17/3 đến ngày 23/3, ông Trần Vũ Minh cũng đã mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG khi cổ phiếu này mới chỉ giao dịch quanh mức giá từ 17.300 đến 20.100 đồng.

Như vậy trong vòng hơn 1 tháng, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG với số tiền chi ra quanh mức 700 tỷ đồng để sở hữu 1,44% vốn điều lệ của Hoà Phát.

Tại tập đoàn này, ông Trần Đình Long đang nắm giữ 700 triệu cổ phiếu HPG (tỷ lệ 25,35%), bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Long có 202,55 triệu cổ phiếu (tương ứng 7,34%) và Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong - nơi ông Minh làm giám đốc cũng sở hữu 1,3 triệu đơn vị (tương ứng 0,05%).

Sau giao dịch trên, tổng sở hữu của gia đình ông Trần Đình Long và tổ chức có liên quan tại Hoà Phát là 943,85 triệu cổ phiếu HPG (tương ứng tỷ lệ 34,18%).

Cổ phiếu HPG sáng nay tăng 450 đồng tương ứng 2,08% lên 20.050 đồng. Mã này lao dốc xuống đáy 16.200 đồng/cổ phiếu vào hôm 27/3 và sau khi con trai chủ tịch “ra tay” thì HPG đã hồi phục đáng kể. Đến nay, HPG đã tăng tổng cộng 36,11%.

Tập đoàn của ông Trần Đình Long vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2020. Theo đó, mặc dù kinh tế khó khăn song doanh thu Hoà Phát vẫn tăng 28% so với cùng kỳ lên 19.450 tỷ đồng. Lãi sau thuế 2.305 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Mức lợi nhuận của Hoà Phát được cho biết là cao nhất kể từ quý 3/2018 đến nay nhờ vào hai mũi nhọn là thép và nông nghiệp.

Thương vụ 700 tỷ đồng của thiếu gia Hoà Phát cứu cổ phiếu công ty - 2

Giá cổ phiếu HPG trong vòng 1 tháng qua hồi phục mạnh

Giao dịch đột biến tại cổ phiếu HSG

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục diễn biến giằng co. VN-Index giảm 0,55 điểm tương ứng 0,07% còn 773,36 điểm dù VN30-Index vẫn bị giảm sút mất 2,92 điểm tương ứng 0,41% còn 720,41 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index cũng mất 0,11 điểm tương ứng 0,1% còn 106,86 điểm và UPCoM-Index mất 0,12 điểm tương ứng 0,23% còn 51,62 điểm.

Thanh khoản đạt 147,53 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 2.185 tỷ đồng trên HSX và đạt 30,16 triệu cổ phiếu tương ứng 184,65 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 9,04 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 85,54 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HSG giao dịch đột biến với khối lượng chuyển nhượng lên tới 19,62 triệu đơn vị. Đồng thời, mã này cũng đang tăng mạnh lên sát mức giá trần. Cụ thể, HSG tăng 460 đồng lên 7.250 đồng trong khi mức giá trần là 7.260 đồng/cổ phiếu.

Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá. Thống kê có tổng cộng 310 mã giảm, 37 mã giảm sàn so với 287 mã tăng và 57 mã tăng trần.

Cổ phiếu lớn tiếp tục phân hoá. VNM tăng 4.800 đồng lên 100.900 đồng; VIC tăng lên 93.500 đồng, VPB tăng lên 20.300 đồng, GAS tăng lên 65.300 đồng và PLX cũng tăng lên 40.800 đồng.

Theo đó, VNM đóng góp tới 2,38 điểm cho VN-Index. VIC, HPG, VPB, GAS… cũng ảnh hưởng tích cực lên diễn biến chỉ số chung.

Ngược lại, SAB đảo chiều giảm 2.100 đồng còn 178.500 đồng, VHM giảm 1.600 đồng lên 65.000 đồng, VJC giảm 1.200 đồng còn 115.200 đồng; MWG giảm 1.000 đồng còn 82.500 đồng, MSN cũng giảm còn 57.700 đồng, HVN giảm còn 27.300 đồng, BID giảm còn 35.850 đồng…

Tuy nhiên, ngoại trừ VHM và VCB gây thiệt hại cho VN-Index lần lượt là 1,53 điểm và 0,95 điểm thì biến động của các mã khác không lớn nên không ảnh hưởng đáng kể lên thị trường chung.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thanh khoản thấp trong bối cảnh hiện nay đang cho thấy rủi ro “bulltrap” (bẫy tăng giá) hiện hữu. VDSC khuyên nhà đầu tư cân nhắc bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua và chỉ giải ngân khi các tín hiệu tích cực hơn xuất hiện.

Còn Công ty chứng khoán SHS cũng lo ngại, trong phiên giao dịch cuối tuần 24/4, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 750 điểm và vùng kháng cự trong khoảng 780-800 điểm.

Nhà đầu tư sau khi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường vượt ngưỡng 780 điểm trong phiên hôm qua nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tiếp tục bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780-800 điểm.

Đối với những nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy quanh ngưỡng 750 điểm trong phiên 22/4 được khuyên nên đứng ngoài và quan sát trong phiên tới.

Mai Chi