Kế hoạch cao tay của nữ tướng Mai Kiều Liên, cổ phiếu Vinamilk tăng sốc

(Dân trí) - Việc cổ phiếu Vinamilk tăng trần đã giúp VN-Index đạt được trạng thái tăng điểm phiên cuối tuần. Đại gia ngành sữa vừa lộ kế hoạch tại thị trường Trung Quốc và chi cả nghìn tỷ mua cổ phiếu quỹ.

VNM tăng trần

Một phiên giao dịch giằng co khá căng thẳng trong ngày cuối tuần rốt cuộc cũng kết thúc với trạng thái tăng tại hai sàn giao dịch chính. VN-Index tăng 2,75 điểm tương ứng 0,36% lên 776,66 điểm; HNX-Index tăng 0,01 điểm tương ứng 0,01% lên 106,97 điểm và sau đó UPCoM-Index giảm nhẹ 0,08 điểm tương ứng 0,15% còn 51,66 điểm.

Thanh khoản đạt 262,26 triệu cổ phiếu tương ứng 3.932,91 tỷ đồng trên HSX và 43,44 triệu cổ phiếu tương ứng 303,51 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM ghi nhận 16,11 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch là 156,96 tỷ đồng.

Toàn thị trường phiên hôm qua có 369 mã tăng giá, 86 mã tăng trần so với 331 mã giảm và 48 mã giảm sàn. Qua đó cho thấy độ rộng thị trường có phần nghiêng nhẹ về các mã tăng.

Mức tăng của VN-Index hôm qua chủ yếu do ảnh hưởng của cổ phiếu lớn. Có thể thấy rõ điều này khi quan sát chỉ số VN30-Index tăng tới 7,56 điểm tương ứng 1,05% lên 725,05 điểm dù chỉ có 10 trong số 30 cổ phiếu tăng giá.

Kế hoạch cao tay của nữ tướng Mai Kiều Liên, cổ phiếu Vinamilk tăng sốc - 1

Bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk

“Con át” chủ bài của VN-Index phiên cuối tuần chính là VNM. Mã này tăng trần lên 102.800 đồng, không hề có dư bán, dư mua hơn 111 nghìn đơn vị.

Theo đó, chỉ riêng VNM đã “cân” cả sàn HSX khi đóng góp tới 3,32 điểm cho VN-Index và mức ảnh hưởng này còn lớn hơn cả biên độ tăng của chỉ số chính.

Hôm qua, cổ phiếu VNM tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này công bố quyết định Hội đồng quản trị về việc mua lại 17,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1% vốn điều lệ thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Với mức giá này, VNM dự kiến sẽ phải chi tới 1.800 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.

Vừa qua, nhiều lãnh đạo của Vinamilk cũng tích cực đăng ký mua vào cổ phiếu như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT đăng ký mua 400.000 cổ phiếu; ông Lê Thành Liêm - Thành viên HĐQT, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng và bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành nhân sự cùng đăng ký mua vào mỗi người 200.000 cổ phiếu. Động thái này được cho là để kích cầu VNM và hỗ trợ giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong số các lãnh đạo Vinamilk đã báo cáo giao dịch thì bà Mai Kiều Liên là người duy nhất mua hết số lượng đăng ký. Ông Lê Thanh Liêm chỉ mua 52.690 cổ phiếu và bà Bùi Thị Hương mua 20.000 cổ phiếu. Hai người còn lại là bà Nguyễn Thị Thanh Hoà và ông Trịnh Quốc Dũng không mua được cổ phiếu nào.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, các cổ đông lớn như F&N Dairy Investments Pte.Ltd và Platinum Victory Pte Ltd cùng đăng ký mua 17,4 triệu cổ phiếu, Công ty Đầu tư SCIC đăng ký mua 250.000 cổ phiếu VNM.

Một thông tin khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh có thể cũng đã ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu VNM đó là việc hãng sữa này đã hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc. Đây là động thái nhằm thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu của Vinamilk sang thị trường 1,4 tỷ dân giai đoạn 2020-2021.

Cổ phiếu lớn phân hoá, một tuần giảm sâu

Trên thị trường hôm qua, trong rổ VN30 còn có CTD tăng trần. Mã này tăng 3.900 đồng lên 60.600 đồng/cổ phiếu, không dư bán cuối phiên.

MSN của Masan tăng 1.300 đồng lên 59.500 đồng; REE tăng 1.100 đồng lên 30.600 đồng. PLX, VPB, HPG, NVL, TCB, PNJ đều tăng giá.

Ở chiều ngược lại, VHM giảm 1.600 đồng xuống 65.000 đồng, VJC giảm 1.200 đồng xuống 115.200 đồng. SAB, MWG, BVH, VCB, BID, MBB đều giảm. Trong đó, ảnh hưởng của VHM đáng kể nhất, lấy mất của VN-Index 1,53 điểm.

Nhìn lại, mặc dù có phiên tăng điểm tích cực vào ngày đầu tuần (20/4), song tổng kết lại,  VN-Index vẫn điều chỉnh giảm khá sâu sau 3 tuần hồi phục liên tiếp.

Tuy nhiên, trước sự kiện giá dầu kỳ hạn WTI giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều cho phản ứng tiêu cực và thị trường Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 

Chỉ số VN-Index đã để mất hơn 28 điểm ngay trong phiên sau đó (21/04), và đà giảm này kéo dài tới hết phiên sáng thứ 4 (22/4), thậm chí có thời điểm chỉ số rơi về mốc 750.

Tuy nhiên, lực cầu quay trở lại và duy trì ổn định tại ngưỡng hỗ trợ này đã giúp chỉ số lấy lại đà tăng trong hai phiên cuối tuần dù vẫn ghi nhận một vài nhịp “rung lắc” trong phiên. Điều này không tránh cho các chỉ số vẫn ghi nhận thiệt hại trong tuần, VN-Index giảm 1,64% so với cuối tuần trước còn HNX-Index giảm 3,16%.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường đã chứng kiến một tuần lao dốc theo xu hướng chung của nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới do ảnh hưởng từ giá dầu thấp kỷ lục và triển vọng suy thoái kinh tế đang dần lan rộng.

Lực cầu bắt đáy trong tuần tuy vẫn dồi dào và giúp kìm hãm đà rơi của chỉ số nhưng là chưa đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới.

Trong tuần tới, nhóm phân tích kỳ vọng dòng tiền sẽ vẫn tập trung quanh nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình vẫn đang có mức định giá khá hấp sau đợt giảm điểm trong quý 1/2020.

Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ với mục tiêu lướt sóng trong khi chỉ số chung vẫn nằm dưới ngưỡng kháng cự 800, trong khi đó nhà đầu tư trung - dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá trên thị trường được thiết lập ổn định hơn trước khi giải ngân.

Mai Chi