1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dân Việt chi 5 tỷ USD uống bia mỗi năm, thêm đại gia muốn “nhảy” vào tranh thị phần

(Dân trí) - Giá trị thị trường bia ở Việt Nam đã tăng từ 4,1 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong năm 2018 và cơ cấu tiêu dùng có sự gia tăng về phía phân khúc cao cấp. Bất chấp thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng từ 60% lên 65%, TNA dự kiến vẫn nhập khẩu 100% và tin rằng ngay năm đầu kinh doanh là có lãi.

Cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam sáng nay (2/4) đã hồi phục phiên thứ hai liên tiếp với mức tăng nhẹ 0,35% lên 14.250 đồng/cổ phiếu.

Mã này đang có những diễn biến tích cực sau phiên họp ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra. Theo đó, kế hoạch “nhảy” vào ngành bia là nội dung đáng chú ý nhất tại phiên họp này của TNA.

Dân Việt chi 5 tỷ USD uống bia mỗi năm, thêm đại gia muốn “nhảy” vào tranh thị phần - 1

Thị trường bia Việt ngày càng mở rộng quy mô song cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt

Công ty này đang lên kế hoạch đầu tư 110 tỷ đồng vào dự án bia Estrella với mục tiêu doanh số năm đầu tiên mang về 88 tỷ đồng và 6 tỷ lãi ròng; năm thứ hai doanh số lên 186 tỷ đồng và lãi ròng 17 tỷ đồng; sang năm thứ ba doanh số tăng mạnh lên 385 tỷ đồng và lãi ròng 37 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TNA sẽ tham gia vào phân khúc bia cao cấp. Nói về lý do chọn lĩnh vực mới này, ông Nguyễn Quang Hoà - Chủ tịch HĐQT TNA dẫn số liệu Euromonitor cho biết, năm 2018, giá trị thị trường ngành bia đã tăng từ 4,1 tỷ USD lên 5 tỷ USD, trong đó 90% thị phần thuộc về các “ông lớn” như Heneiken, Carlsberg, Sabeco và Habeco, còn lại 10% là các thương hiệu khác. Dự kiến đến năm 2025, giá trị thị trường ngành bia sẽ đạt 6,5 tỷ USD.

Hiện, trong cơ cấu tiêu dùng ngành bia, phân khúc cao cấp đang tăng, chiếm 11% toàn thị trường và mục tiêu mà TNA đặt ra là trong vòng 3 năm chiếm được 0,3% thị phần của thị trường này là đã “quá tốt”.

Cũng theo lãnh đạo TNA, bất chấp thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng từ 60% lên 65%, công ty này vẫn sẽ nhập khẩu 100% sản phẩm bia Estrella – một thương hiệu có 145 năm tuổi và nổi tiếng toàn cầu, bên đối tác này cũng chưa có kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam.

Cùng với thuận lợi tại những ngành kinh doanh chính, TNA đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho năm 2019 lần lượt đạt 4.800 tỷ đồng và 100 tỷ đồng, tăng 19% và 26% so với thực hiện năm 2018.

Tạm dừng phiên giao dịch sáng nay, các chỉ số vẫn giữ được đà tăng song mức tăng thu hẹp đáng kể so với hôm qua. Chỉ số chính VN-Index tăng 3,41 điểm tương ứng 0,34% lên 991,94 điểm còn HNX-Index tăng 0,09 điểm tương ứng 0,09% lên 107,82 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về các mã tăng. Thống kê cho thấy có 307 mã tăng giá, 44 mã tăng trần so với 230 mã giảm, 29 mã giảm sàn trên toàn thị trường.

Thanh khoản cải thiện lên 102,94 triệu cổ phiếu tương ứng 2.102,48 tỷ đồng trên HSX và 17,01 triệu cổ phiếu tương ứng 220,98 tỷ đồng trên HNX.

Phiên này, VN-Index tiếp tục nhận được sự đồng thuận của một số mã vốn hoá lớn như GAS, VIC, VNM, VRE, VHM… song mức tăng tại những mã này lại chưa thật sự ấn tượng. Chiều ngược lại, SAB, ROS, HDB… sụt giá.

Đưa ra nhận định đối với thị trường, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, diễn biến trong những phiên gần đây khá giống nhau, khi trong phiên chỉ số đa phần vận động tích lũy đi ngang và chưa xuất hiện xu hướng rõ ràng.

Tuy nhiên, chỉ số mở đầu tháng 4 vẫn khá tích cực với sắc xanh tương đối lan tỏa ra nhiều nhóm vốn hóa và các ngành khác nhau, cho thấy dòng tiền đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường sau một đợt chỉ số chung điều chỉnh giảm ngắn hạn.

Do đó, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tìm kiếm những điểm mua tốt theo phân tích kỹ thuật cho mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, nhưng cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư trong trường hợp giá cổ phiếu đi ngược lại kỳ vọng ban đầu.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm