"Dân không muốn trốn thuế, nhưng thủ tục quá phức tạp"

(Dân trí) - Với số lượng lớn lên tới 4,6 triệu hộ kinh doanh song chỉ đóng góp hơn 12.000 tỷ đồng tiền thuế, chiếm vỏn vẹn 2% tổng nguồn thu. Thực tế này đã đặt ra nghi vấn "núp bóng hộ kinh doanh nhằm trốn thuế". Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, không hẳn lỗi do người dân cố tình trốn thuế, vấn đề nằm ở thủ tục nộp thuế quá phức tạp.

4,6 triệu hộ kinh doanh: Thất thu thuế là có!

Theo số liệu được công bố tại diễn đàn "Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp" diễn ra mới đây, hiện cả nước có 500.000 doanh nghiệp, trong khi số hộ kinh doanh lên đến 4,6 triệu, tổng tài sản ước tính 655.000 tỷ đồng, tạo ra gần 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, trong đó có rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô, doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo số liệu từ cơ quan thuế, tổng số thuế thu từ các hộ kinh doanh trong năm 2014 là 12.362 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% tổng nguồn thu.

Số lượng đông đảo nhưng số thuế từ các hộ kinh doanh nộp về Nhà nước là rất nhỏ
Số lượng đông đảo nhưng số thuế từ các hộ kinh doanh nộp về Nhà nước là rất nhỏ

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, thất thu thuế khu vực doanh nghiệp này là có, tuy nhiên, nguyên nhân không hẳn hoàn toàn do doanh nghiệp mà do doanh thu ấn định chưa sát, cơ chế thu phức tạp. "Người dân cũng không muốn trốn thuế đâu, họ muốn thực hiện nhưng phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu", vị chuyên gia nhận định.

Theo lý giải của bà Cúc, rào cản khiến các hộ kinh doanh ngại "nâng cấp" lên doanh nghiệp chính là việc họ cho rằng, khi trở thành doanh nghiệp, họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn. "Nếu nộp thuế cao hơn mà phải giữ sổ sách thì tôi lên doanh nghiệp làm gì, trong khi bây giờ tôi lại chỉ phải nộp thuế ít hơn?".

Cụ thể, hộ kinh doanh chỉ cần một cuốn sổ chợ là có thể quản lý được hoạt động kinh doanh nhưng lên doanh nghiệp thì theo quy định pháp luật phải lập đến 5 loại báo cáo: Báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán...

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trách nhiệm về kê khai tài chính của các hộ kinh doanh cũng đơn giản hơn nhiều so với doanh nghiệp. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn...

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp lại phải tuân thủ hàng loạt quy định đầy "ác mộng", như: Thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất 60 tháng. Mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế. Chưa kể, khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động.

Không nên dùng mệnh lệnh hành chính

Tuy nhiên, theo bà Cúc, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp không nên dùng mệnh lệnh hành chính mà nên dựa trên cơ chế tự nguyện, chỉ trừ những hộ kinh doanh phát hiện gian lận về chính sách thì khi đó mới buộc phải dùng đến mệnh lệnh hành chính để xử lý.

Vị chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần làm sao để các hộ kinh doanh thấy được rằng, khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp họ sẽ được minh bạch hơn, rõ ràng hơn và nộp thuế theo đúng nghĩa vụ về doanh thu.

"Bởi tôi nghĩ rằng, họ cũng không muốn trốn thuế, vì trốn thuế có thể giúp doanh nghiệp thu lợi trước mắt nhưng lại tiềm ẩn rủi ro rất cao. Họ cũng muốn làm được bao nhiêu, lãi bao nhiêu thì được nộp thuế cho Nhà nước. Vấn đề là cải cách quản lý thuế như thế nào để để rõ ràng, minh bạch, công khai: các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có cùng doanh thu thì cũng phải bình đẳng về số nộp thuế và cơ chế khấu trừ thống nhất để doanh nghiệp có thể tự tính toán lấy", bà Cúc nhìn nhận.

Bên cạnh đó, cần triển khai quyết liệt biện pháp quản lý thuế đối với hộ khoán thông qua các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để điều chỉnh doanh thu khoán đối với các hộ kinh doanh hiện hành, đảm bảo thu thuế theo doanh thu thực tế phát sinh, theo nguyên tắc thuế khoán tối thiểu bằng hoặc cao hơn kê khai.

Ngoài ra, việc sớm ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có vai trò rất quan trọng, song song với việc hoàn thiện sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật thuế hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng minh bạch; thống nhất trong thực hiện. Trong đó có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ.

Bích Diệp