1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Các hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp

(Dân trí) - Cả nước đang có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (HKD), trong đó 3,5 triệu HKD được cấp mã số thuế, 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Đây là đối tượng chính để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020. Tuy nhiên, việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn xuất phát từ cơ chế, chính sách liên quan đến thủ tục hành chính, thuế,...

Đó là phát biểu của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, trong buổi Tọa đàm “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) hiệu quả, bền vững” diễn ra chiều nay (10/4) tại Hà Nội.

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm
Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm

Đánh giá về tiềm năng của việc chuyển đổi này, ông Nam cho rằng, đây là khu vực có số lượng lớn, có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế và đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, độ minh bạch trong hoạt động của khu vực này tương đối thấp, cơ bản áp dụng thuế khoán đơn giản, việc thực hiện bảo hiểm xã hội, y tế tuân thủ khó khăn. Đối với khu vực này, mặc dù giải quyết trên 10 triệu lao động thường xuyên nhưng so sánh với khu vực DN mức tăng trưởng vẫn thấp hơn 12%.

Về điều kiện để chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN, theo ông Nam, về mặt thủ tục hiện không có gì phức tạp. Sau khi có Luật DN mới, thủ tục chuyển đổi sang DN tư nhân rất đơn giản, chỉ cần làm đơn xin thành lập DN, kèm theo chứng từ nhân thân (chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu). Còn với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì cần có thêm điều lệ, nhân thân thành viên tham gia. Nếu Luật phát triển DNNVV được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới thì thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều lần.

Song khó khăn ở đây được ông Nam chỉ ra lại nằm ở chính các hộ kinh doanh, lý do bởi, "sở dĩ chính bản thân nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển sang DN, mặc dù số lao động theo luật bắt buộc phải chuyển sang. Đầu tiên đó là chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì khu vực này thuế khoán nên việc khai báo thuế đơn giản hơn."

"Mặt khác, họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính do còn rườm rà, chưa phù hợp với họ như chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... Cuối cùng, nhận thức của khu vực này chưa sâu, vì nếu muốn phát triển thì cần chuyển sang loại hình kinh doanh chính thức để được hưởng nhiều lợi thế như: tiếp cận mặt bằng, tín dụng dễ hơn...", ông Nam cho biết thêm.

Nhìn nhận về lợi thế khi chuyển sang doanh nghiệp của các hộ kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi chuyển sang DN họ sẽ tiếp cận vốn, hay các nguồn lực khác dễ dàng hơn như vốn góp, vốn trên thị trường chứng khoán... Nếu muốn kinh doanh bài bản, muốn lớn lên nữa thì chuyển đổi sang mô hình DN là con đường tất yếu phải theo. Khi hội nhập, DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì rõ ràng cần hoạt động một cách minh bạch, bài bản. Như vậy, không cách thức nào khác là phải có mô hình tổ chức tốt.

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh nên cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi sang mô hình DN. Bởi hiện nay, các cơ sở kinh doanh được áp dụng chính sách thuế dựa trên hình thức pháp lý chứ không phải dựa trên quy mô hay khả năng lưu giữ sổ sách kế toán của DN.

Chính vì vậy, cứ chuyển đổi lên DN thì cách thức áp dụng phải khác. Tức là DN phải mở sổ sách, thuê kế toán, báo cáo tài chính. Đồng nghĩa với việc khi có giấy chứng nhận thành lập DN thì thủ tục hành chính phức tạp hơn lên, rất nhiều thủ tục: bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động, phòng cháy chữa cháy... đặc biệt khi đó chi phí tăng lên. Đó chính là cản trở khiến hộ kinh doanh e ngại.

Do đó, cơ quan Nhà nước cần tính toán kỹ lưỡng hơn để xem 1 hộ kinh doanh trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí của họ tăng như thế nào. Và làm sao khi trở thành DN họ thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn cản trở thì khi đó tạo động lực lớn cho sự chuyển đổi.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm