Dân giàu tăng mua xế hộp, xe Trung Quốc dần "bật bãi" khỏi Việt Nam
(Dân trí) - Trong khi nhu cầu xe hơi ngày càng gia tăng mạnh mẽ do tầng lớp trung lưu tại Việt Nam nhiều lên thì thị trường dành cho xe Trung Quốc bị thu hẹp và cạnh tranh bởi các hãng xe lớn có tên tuổi tại Việt Nam.
Trong tuần qua, sự kiện đối với thị trường xe chủ yếu xoay quanh sự biến động của thị trường xe mùa cuối năm. Tầng lớp trung lưu Việt trỗi dậy, xe hơi là thứ được mua nhiều hơn cả và hầu hết họ chuyển sang mua các dòng xe có thương hiệu và chất lượng tốt.
Dân trung lưu bùng nổ, năm 2019 nhu cầu xe tăng cao
Cùng với nền kinh tế có độ mở rộng, thuế quan nhiều mặt hàng được xóa bỏ và sân chơi ngày càng lớn, nền kinh tế Việt Nam và người dân đã, đang và sẽ được hưởng lợi khiến thu nhập bình quân/người tăng lên nhanh chóng và từ đó giúp xe hơi - sản phẩm giao thông thay thế đang tăng đột biến.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích đến từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Năm 2019, ô tô nguyên chiếc (CBU) có xuất xứ từ các nước nội khối kỳ vọng tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ô tô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300-500 triệu đồng, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam.
Bên cạnh mức giá “mềm”, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ Indonesia và Thái Lan. Do đó, doanh số của các dòng xe bình dân và trung cấp vào năm 2019 được kỳ vọng sẽ tăng mạnh ở mức 20% so với cùng kỳ. Vì vậy, các đại lý phân phối những phân khúc này sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2019. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp.
Mua xe sang bị bắt nạt đủ đường
Câu nói “khách hàng là thượng đế” dường như không chính xác đối với thị trường xe hơi nước ta. Ở Việt Nam người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu trước các doanh nghiệp bán ô tô.
Thừa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang tới gần, một số showroom còn ép khách hàng mua xe kèm phụ kiện nếu muốn nhận được xe sớm. Nhẹ nhàng thì 20-50 triệu, còn nặng thì đến cả 200 triệu như đối với dòng xe Ford Explorer vừa qua.
Tình trạng "bán bia kèm lạc" không phải là hiếm, thế nhưng các hãng xe Ford, Toyota, Honda,... vẫn không hề có biện pháp xử lý. Họ chỉ tham gia giải quyết khi có một khách hàng bức xúc nào đó làm rùm beng trên mạng xã hội. Chẳng ở đâu mà "thượng đế" lại bị đè đầu cưỡi cổ như vậy.
Anh Hùng, một khách hàng ở Hà Nội, cho biết: "Tôi có nhu cầu mua xe từ lâu rồi, nghe nói năm 2018 giá xe giảm mạnh nên dằn lòng ngồi đợi. Gần hết năm mà giá rẻ không thấy đâu, không đợi được tôi đành phải mua xe với giá đắt hơn vài chục triệu so với năm 2017".
Sốt ruột mua xe chơi tết, bị móc túi trăm triệu!?
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều mẫu ô tô cháy hàng, giá bị đẩy lên cao chót vót. Muốn có xe chơi Tết, khách phải chi tiền chênh cả trăm triệu.
Hiện nay, một số loại xe ô tô nhập khẩu hút khách bị đẩy giá lên cao. Lấy lý do nguồn cung xe hạn chế, đại lý có đủ cách “chặt chém” khách hàng, từ tăng giá, ép mua thêm phụ kiện, kênh giá nếu khách hàng muốn nhận xe sớm.
Để được giao xe trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, khách hàng mua xe Ford Everest phải chịu chênh giá từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có đại lý còn “thương lượng” chênh tới 100-150 triệu đồng.
Toyota Fortuner cũng thường xuyên nằm trong danh sách những mẫu xe bán kèm phụ kiện tại Việt Nam. Hiện khách hàng muốn mua Toyota Fortuner phải mua bộ phụ kiện giá 100-120 triệu đồng.
Do lo ngại xe cũ có thể chịu thêm 1 năm tuổi trước thềm năm mới 2019, khá nhiều người dân, doanh nghiệp bán xe cũ mong muốn đẩy xe. Tuy nhiên, câu chuyện không hề đơn giản,
Người mua xe cũ chuộng xe chính chủ bán lại, xe qua sử dụng 1 đời chủ. Vì vậy, nếu là chính chủ bán lại sẽ rất dễ, thậm chí không cần bán qua mạng, đại lý cũng có người mua. Đối với dân buôn xe như chúng tôi, muốn bán được xe, bên cạnh trình bày xe đẹp mà còn phải khéo léo mời khách đến xem xe, kiểm tra hoặc thuê thợ sửa "test" xe", ông Mạnh người bán xe cũ cho biết.
Trên thực tế, xe cũ hiện nay đang được bán khá nhiều và có rất nhiều chiếc có tuổi đời khá mới do vòng đời xe thay đổi nhanh và người dân nhanh thay thế các loại xe đang sử dụng.
Các loại xe cũ được thị trường ưa chuộng nhất là xe nhỏ giá rẻ như i10 của Hyundai Thành Công, Morning của Kia hay các dòng sedan 4 - 5 chỗ ngồi như Toyota Vios, Honda City hay Kia Cerato...
Những mẫu xe này đang có mức giá dao động từ 250 đến gần 500 triệu đồng/chiếc tùy dòng xe, đời xe. Trong khi đó giá xe mới trên thị trường có giá bán đại lý từ 350 triệu đến hơn 600 triệu đồng. Mức giá lăn bánh có thể rơi vào 450 đến gần 700 triệu đồng/chiếc.
Theo ghi nhận của khá nhiều đại lý bán xe cũ tại Hà Nội, dù cuối năm nhu cầu mua xe tăng cao song xe cũ vẫn khá khó bán. Lý do lớn nhất là xe cũ hiện còn có giá khá cao, đặc biệt là các dòng xe có năm sản xuất cách năm hiện tại từ 3 - 5 năm.
Trong khi đó, các loại xe mới ra thị trường thời gian gần đây khá nhiều loại, nhiều dòng, mẫu và chủng loại cùng với ưu đãi, chiết khấu về giá xe khiến nhiều loại xe mới vô tình cạnh tranh và giết chết xe cũ ở mức giá tương đương nhau.
Xế hộp Trung Quốc nhập "cắc bụp", xe tải Trung Quốc bật bãi khỏi Việt Nam
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Trung Quốc về Việt Nam năm 2018 chủ yếu là xe tải, xe khách, còn xe con chỉ nhập "cắc bụp" theo một số đầu mối tại lớn tại Hải Phòng. Lượng xe tải từ Trung Quốc nhập về Việt Nam cũng giảm sút rất mạnh do có sự cạnh tranh từ các dòng xe lắp ráp trong nước.
Cụ thể, trong tháng 12/2018, Việt Nam chỉ ghi nhận lượng nhập hơn 50 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ Trung Quốc, đây là lượng xe nhập thấp nhất trong năm 2018.
Trước đó, tháng 11, có 62 chiếc xe con Trung Quốc nhập vào Việt Nam, tháng 10 có hơn 106 chiếc và tháng 9 có hơn 72 chiếc. Các tháng trở về trước, lượng xe con Trung Quốc về Việt Nam không quá nhiều so với các tháng gần đây.
Bất lợi lớn nhất của các thương hiệu xe Trung Quốc tại Việt Nam là niềm tin chất lượng bởi hiện các xe chính hãng từ Trung Quốc đều được phân phối vào Việt Nam thông qua đại lý.
Các đại lý này cũng phân phối một hay nhiều dòng xe của các hãng khác nhau, không phải độc quyền cho một hãng xe nhất định. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý tháo chạy của các dòng xe này tại Việt Nam nếu kinh doanh trồi sụt.
Ngoài xe con, năm 2018, xe tải và xe khách Trung Quốc cũng thất bát ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước chỉ nhập 1.300 chiếc xe các loại, trong khi đó cùng kỳ năm 2017, lượng nhập đạt trên 10.100 chiếc xe các loại. Lượng nhập xe từ Trung Quốc năm nay chỉ bằng 1/10.
Loại xe suy giảm mạnh nhất là xe tải siêu trường siêu trọng, xe tải nhỏ và xe khách. Hiện, các dòng Howo, Faw, Shacman, Dongfeng của Trung Quốc đang phải cạnh tranh rất mạnh bởi các dòng xe lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam như Hyundai, Thaco, Suzuki, Mitsubishi, Hino, Isuzu hay Fuso, Kia...
Hàng triệu xe máy, mô tô sẽ phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng mỗi năm
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/1/2020, bắt buộc các loại xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu, lắp ráp trong nước đều phải dán nhãn công khai mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng.
Theo Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT ban hành ngày 17/12/2018 của Bộ GTVT, nhãn năng lượng của xe là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.
Mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe (mức tiêu thụ nhiên liệu) là lượng nhiên liệu tiêu hao của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định.
Như vậy, với lượng tiêu thụ xe máy mỗi năm có khoảng 2,5 đến 3 triệu chiếc xe mới sẽ phải dán các loại tem, nhãn liên quan đến tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng hoặc động cơ.
An Linh
(Tổng hợp)