Mua ô tô đừng mơ làm thượng đế: Mất tiền tỷ bị bắt nạt đủ đường
Câu nói “khách hàng là thượng đế” dường như không chính xác đối với thị trường xe hơi nước ta. Ở Việt Nam người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu trước các doanh nghiệp bán ô tô.
Năm 2018 sắp kết thúc, mong ước của người dân Việt Nam về những chiếc xe hơi giá rẻ đã không thành hiện thực, dù thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN giảm từ 30% xuống 0%. Thậm chí, một số mẫu xe hot như Honda CRV và Toyota Fortuner còn tăng giá từ 20 đến 50 triệu đồng.
Anh Hùng, một khách hàng ở Hà Nội, cho biết: "Tôi có nhu cầu mua xe từ lâu rồi, nghe nói năm 2018 giá xe giảm mạnh nên dằn lòng ngồi đợi. Gần hết năm mà giá rẻ không thấy đâu, không đợi được tôi đành phải mua xe với giá đắt hơn vài chục triệu so với năm 2017".
Chưa tính đến việc phải mua đắt, người mua xe cũng không được hưởng dịch vụ một cách chu đáo. Các đại lý ô tô luôn lừa khách hàng ký những bản hợp đồng không có lợi. Nếu khách hàng không thực hiện theo đúng giao kèo, khách hàng sẽ bị mất tiền đặt cọc, còn nếu đại lý xe không kịp giao xe đúng hẹn thì chỉ việc trả lại tiền là xong.
Thừa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang tới gần, một số showroom còn ép khách hàng mua xe kèm phụ kiện nếu muốn nhận được xe sớm. Nhẹ nhàng thì 20-50 triệu, còn nặng thì đến cả 200 triệu như đối với dòng xe Ford Explorer vừa qua.
Tình trạng "bán bia kèm lạc" không phải là hiếm, thế nhưng các hãng xe Ford, Toyota, Honda,... vẫn không hề có biện pháp xử lý. Họ chỉ tham gia giải quyết khi có một khách hàng bức xúc nào đó làm rùm beng trên mạng xã hội. Chẳng ở đâu mà "thượng đế" lại bị đè đầu cưỡi cổ như vậy.
Vốn dĩ xảy ra hiện tượng này là bởi vì cán cân cung cầu luôn lệch về một phía. Nhu cầu mua xe của người dân quá lớn so với nguồn cung bán ra.
Tại Việt Nam, lượng xe lưu hành trên thị trường thuộc về 3 nguồn cung cấp chủ yếu.
Một là xe do các nhà máy chính hãng trong nước như Toyota Việt Nam, Thaco Trường Hải, Hyundai Thành công,... lắp ráp. Hai là xe nhập khẩu từ nước ngoài qua các nhà nhập khẩu chính hãng sau đó phân phối tại hệ thống đại lý. Hầu hết xe bán tải ở Việt Nam như Ford Ranger sản xuất tại Thái Lan, còn chiếc SUV bán chạy Toyota Fortuner lại sản xuất ở Indonesia. Cuối cùng là xe nhập khẩu qua các đại lý tư nhân.
Các đại lý nhập khẩu tư nhân gặp khó vì nghị định 116. Ảnh minh họa.
Nói về chất lượng, xe lắp ráp trong nước không được đánh giá cao về độ hoàn thiện cũng như phụ kiện đi kèm. Thế nhưng các nhà sản xuất vẫn tự tin đặt giá cao so với mặt bằng thế giới bởi vì đối thủ cạnh tranh là xe nhập khẩu đang bán với giá cắt cổ.
Với chính sách bảo hộ hàng sản xuất trong nước, xe nhập khẩu đang phải chịu 3 mức thuế suất chồng lên nhau: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Người dân đã khấp khởi mừng thầm khi hay tin thuế nhập khẩu xe trong nội khối ASEAN sẽ giảm từ 30% xuống 0% từ năm 2018. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang vì cuối năm 2017, Nghị định 116 ra đời quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, tiếp theo đó là Thông tư 03 về quy định thử nghiệm khí thải, chứng nhận kiểu loại xe.
Nếu như Nghị định 116 đã loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân vì không đáp ứng đủ điều kiện thì Thông tư 03 còn làm khó cả các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng.
Sau khi áp dụng cùng lúc nghị định và thông tư mới, con đường của xe nhập khẩu về Việt Nam nhiêu khê và tốn kém hơn rất nhiều. Chính vì vậy nên mới xảy ra hiện tượng thuế giảm nhưng giá tăng như vừa qua.
Thị trường Việt Nam vẫn là mỏ vàng cho các hãng xe khai thác. Ảnh: Asean automotive federation
Với chính sách bảo hộ như vậy, các nhà sản xuất trong nước có thể yên tâm hưởng lợi dài dài từ người tiêu dùng.
Sẽ có lúc doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải sợ người mua, thế nhưng không phải bây giờ. Số lượng xe hơi trên 1.000 dân ở Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 16-17 xe, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 200 xe của Thái Lan và 340 xe của Malaysia. Nhu cầu người mua vẫn còn rất nhiều, từ nay tới lúc thị trường xe trong nước bình ổn so với thế giới vẫn là một quãng đường rất dài.
Cột mốc 2018 đã qua đi, vậy người tiêu dùng Việt Nam còn gì để trông chờ. Về chính sách, Chính phủ vẫn đang kiên định với mục tiêu hạn chế xe hơi cá nhân, bảo hộ sản xuất trong nước. Người dân cũng chẳng chờ đợi gì việc các ông lớn ô tô cắt giảm lợi nhuận hạ giá xe. Có chăng là hy vọng nguồn hàng phong phú thêm để tăng tính cạnh tranh của thị trường.
Các nguồn hàng bổ sung có thể đến từ những nhà sản xuất mới trong nước như Vinfast hoặc xe nhập khẩu từ châu Âu nếu hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EV-FTA) được phê chuẩn. Khi hiệp định này áp dụng, thuế nhập khẩu xe từ EU sẽ được giảm từ mức 70% như hiện nay về 0% theo lộ trình.