Dân đầu tư chứng khoán xôn xao với sáng kiến "chống tắc" mới

Mai Chi

(Dân trí) - Sau đề xuất nâng lô tối thiểu từ 100 lên 1.000 cổ phiếu, tối 4/3, giới đầu tư chứng khoán tiếp tục được một phen xôn xao về giải pháp mới: ngưng hủy/sửa lệnh để giảm "tắc nghẽn" trên HSX.

Thông tin này đang được lan truyền chóng mặt trong cộng đồng nhà đầu tư, dù chưa có phát ngôn chính thức từ phía sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) hay lãnh đạo Sở này. Tuy vậy, phương án này nếu được nghiên cứu để đưa vào thực tiễn thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX.

Dân đầu tư chứng khoán xôn xao với sáng kiến chống tắc mới - 1

Nhà đầu tư tỏ ra lo lắng nếu phương án ngưng hủy/sửa lệnh giao dịch được áp dụng. Ảnh minh họa: TTXVN. 

Khi không còn được hủy/sửa lệnh, rủi ro "mua hớ" hay "bán hớ" của nhà đầu tư sẽ tăng lên. Nhà đầu tư không còn cơ hội sửa chữa sai lầm trong một thời điểm nào đó lỡ ra quyết định mua/bán.

Ví dụ, một cổ phiếu X đang được khớp trên thị trường với mức giá 20.100 đồng, nhà đầu tư kê lệnh mua 19.900 đồng. Sau khi lệnh đã được gửi lên hệ thống và chưa khớp thì thị trường xuất hiện dấu hiệu bị bán mạnh tại một số cổ phiếu lớn và nguy cơ kéo chỉ số đi xuống. Thông thường lúc này, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng hủy lệnh để chờ biến động cổ phiếu X chỉnh về sâu hơn sẽ mua vào được mức giá tốt.

Nhưng nếu không được hủy/sửa lệnh thì gần như chắc chắn họ phải mua cổ phiếu X với giá 19.900 đồng dù có thể sau đó, X lùi về 19.000 đồng hoặc thấp hơn. Khối lượng mua càng lớn thì mức lỗ trong phiên càng lớn.

Hoặc đặt trường hợp một cổ phiếu Y đang khớp với giá 14.500 đồng và nhà đầu tư dự tính bán ra với giá 14.600 đồng. Sau khi gửi lệnh bán thì giá cổ phiếu của những mã cùng ngành tăng lên. Lúc này nếu không được hủy/sửa lệnh, nhà đầu tư đành chấp nhận bán rẻ, bán "hớ" cổ phiếu nếu Y tăng trần lên 15.500 đồng.

Tóm lại là, phương án ngưng sửa/hủy lệnh nếu áp dụng sẽ rất khó cho nhà đầu tư, đặc biệt những người "lướt sóng", khi ra quyết định mua/bán. Rủi ro với nhà đầu tư cũng sẽ cao hơn khi biên độ dao động của thị trường lớn.

"Tôi hi vọng đây không phải là phương án được lựa chọn. Nếu có chuyện HSX ngưng cho phép hủy/sửa lệnh, tôi sẽ là người đầu tiên bán hết cổ phiếu trên HSX và chuyển sang giao dịch trên HNX, UPCoM", anh Nguyễn Thanh Hải, một nhà đầu tư ở TPHCM cho biết.

Thực tế trong phiên 4/3, thị trường đã có phản ứng ngay sau khi phương án nâng gấp 10 lần lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 cổ phiếu và "chuyển ngược sàn" với một số doanh nghiệp sang HNX xuất hiện.

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, thanh khoản phiên 4/3 đạt 21.138,4 tỷ đồng, tăng 17,3% so với phiên 3/3. Hiện tượng "nghẽn lệnh" và "loạn giá" xảy ra trên sàn HSX ngay từ phiên sáng khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng "tù mù". Nhiều nhà đầu tư đã ưu tiên giao dịch tại những cổ phiếu trên HNX và UPCoM.

Kết quả là thanh khoản trên HNX và UPCoM phiên tăng đột biến. Trên HNX, khớp lệnh tăng 52,6% so với phiên trước, đạt 2.711 tỷ đồng và trên UPCoM cao hơn tới 87,5% so với phiên 3/3, đạt 1.682 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu trên HNX có khớp lệnh mạnh. PVS khớp hơn 27 triệu cổ phiếu, SHB khớp 26,95 triệu cổ phiếu và SHS khớp 11,1 triệu cổ phiếu. Còn trên UPCoM, BSR khớp 36,6 triệu đơn vị, OIL khớp 10,59 triệu đơn vị.

Dân đầu tư chứng khoán xôn xao với sáng kiến chống tắc mới - 2

Nhóm cổ phiếu được giao dịch mạnh trên HNX

Dân đầu tư chứng khoán xôn xao với sáng kiến chống tắc mới - 3

BSR không chỉ khớp lệnh "khủng" nhất UPCoM mà còn dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường

Hầu hết giới đầu tư, chuyên gia không ủng hộ phương án nâng lô tối thiểu lên 1.000 và cũng không đánh giá cao tính khả thi của phương án chuyển sàn trên phương án tự nguyện với một số doanh nghiệp từ HSX sang HNX. Một số chuyên gia cho rằng phương án nâng bước giá là cách khắc phục tối ưu trong khi chờ HSX đưa vào vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới.