Chứng khoán "tắc đường" và hội chứng "nghẽn", "đơ"
(Dân trí) - Với hệ thống giao dịch "nghẽn", "đơ", quá tải như hiện tại, liệu ngành chứng khoán sẽ thực hiện nhiệm vụ nói trên ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm...?
Ông Vương Đình Huệ vào năm 2019, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ, theo lộ trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đến năm 2020 phấn đấu số lượng nhà đầu tư phải đạt 3% dân số và con số này sẽ tăng lên 5% vào năm 2025.
Đến nay, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập (hay còn gọi F0) chưa từng có và qua đó, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới năm 2020.
Có vẻ như chứng khoán đã dần thu hẹp khoảng cách với đại bộ phận dân chúng. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận một thực tế, "định kiến" của người dân với kênh đầu tư này chưa thật sự được phá bỏ.
Tôi còn nhớ cách đây gần 5 năm, ông Nguyễn Duy Hưng - một nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thị trường bày tỏ không đồng ý với quan điểm coi thị trường chứng khoán như một chỗ "đánh bạc cao cấp".
Giới chuyên gia trong ngành đều đưa ra những phát biểu mang tính kêu gọi nhà đầu tư cần nâng tầm hiểu biết, không nên coi chứng khoán là trò chơi may rủi.
Hiện tại, với số lượng người gia nhập mới tăng lên, trong đó có cả những chủ doanh nghiệp, những nhà trí thức, những kỹ sư. Họ dành thời gian để đọc và tìm hiểu, trang bị trên mình đầy đủ phương pháp phân tích cơ bản (FA), kỹ thuật (TA). Họ là người mới, nhưng không là tay mơ và điều quan trọng là họ rất tôn trọng, rất kỳ vọng vào thị trường này!
Một nhà đầu tư từng chia sẻ với người viết rằng, không hiểu vì sao lại nói "chơi" chứng khoán, có ai lại bỏ hầu hết vốn nhà rỗi tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để "chơi" không? Vì sao người ta vẫn nói đến chứng khoán là "cờ bạc", may rủi, đánh quả nọ, quả kia như vậy?
Tạm gác sang một bên quan điểm đầu tư, đầu cơ về các dòng cổ phiếu, người viết cho rằng, muốn xây dựng một thị trường chứng khoán, nơi mà nhà đầu tư được tôn trọng và được bảo vệ, trước hết phải là một thị trường có nền tảng minh bạch.
Vậy chứng khoán Việt Nam đã thực sự minh bạch hay chưa?
Trong suốt gần 3 tháng nay, một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại là tình trạng "nghẽn" lệnh, "loạn giá", bảng giá bị đơ, lệnh đặt không "khớp" được bị trả về… Theo đó, nhà đầu tư muốn mua không được, bán không xong. Lúc thị trường lên thì mất cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ, lúc bán ra thì lỡ mất giá tốt.
Thiệt hại về tiền không biết đong đếm bao nhiêu cho nổi, nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một thị trường giao dịch dựa vào kỳ vọng mà mất niềm tin thì sẽ ra sao?
Một bộ phận nhà đầu tư gọi sàn giao dịch là "sòng", là "hosino", cho rằng có bàn tay thao túng thị trường, đặt ra những nghi ngờ đến mức… suy diễn (?!). Nói thật, đặt trường hợp là nhà quản lý Sở Giao dịch, tôi sẽ rất đau xót và xấu hổ!
Thiết nghĩ, nếu có khuất tất, có đối tượng lợi dụng điểm yếu hệ thống để phá hoại thì nên tổ chức thanh tra, điều tra làm rõ. Còn đơn thuần là về kỹ thuật, năng lực hệ thống, lãnh đạo Sở và các công ty chứng khoán cần tích cực và xông xáo hơn trong xử lý, chủ động thông tin cho nhà đầu tư, tránh để lời ra tiếng vào không đáng có.Vậy nhưng suốt gần 3 tháng, dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) và các công ty chứng khoán đã họp bàn về nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhưng… đâu vẫn đấy, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Mọi thứ gần như đứng yên, chỉ có phí, thuế giao dịch thì nhà đầu tư vẫn phải đóng không thiếu một đồng!
Hồi tháng 7/2020, tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở HSX, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chứng khoán Việt Nam cần phải sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao mang tầm vóc khu vực, toàn cầu.
Và tôi băn khoăn, với hệ thống giao dịch "nghẽn", "đơ", quá tải như hiện tại, liệu ngành chứng khoán sẽ thực hiện nhiệm vụ nói trên ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Chính phủ và trước cộng đồng nhà đầu tư?