Dân buôn tiết lộ chiêu trò "xé mác", đẩy giá trong ngày đại hạ giá Black Friday
(Dân trí) - Black Friday hiện được cho là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm của các mặt hàng thời trang, điện máy... Thế nhưng, với không ít cửa hàng thời trang, việc giảm giá không hề thực chất, mà chỉ là chiêu trò.
Đã nghỉ kinh doanh quần áo, nhưng trước đây anh D.H.H. (Cổ Nhuế, Hà Nội) rất mong chờ tới những dịp như Black Friday. Bởi thời điểm này, người dân sẽ đổ xô đi mua đồ khuyến mại theo hiệu ứng đám đông, dù nhu cầu chưa thực sự cần thiết.
Cũng nhờ thế, anh H có thể “đẩy” đi được rất nhiều mẫu mã cũ hoặc mẫu mã không bán được. Và đặc biệt, mẫu mới cũng có thể tiêu thụ mạnh mà vẫn lãi.
Việc đẩy hàng hè, hàng cũ trong dịp giảm giá cuối năm là chuyện ai cũng hiểu. Vì đó là hàng lỗi mốt khó bán, hoặc để lâu thì sẽ bị mốc nên các cửa hàng cũng “sẵn lòng” bán rẻ. Thế nhưng với hàng mới, anh H cũng có “chiêu trò” để đánh vào tâm lý người mua hàng.
Theo đó, trước đợt khuyến mại Black Friday, anh H sẽ đóng cửa toàn bộ cửa hàng để sửa giá gắn trên quần áo. Trong đó, các mặt hàng cũ, hàng hè sẽ được để giá giảm 50%. Còn với quần áo mới, anh H sẽ tăng giá lên rồi để vào khu vực giảm giá 10 - 20%.
“Ví dụ, cái áo phông có giá 200 nghìn đồng, tôi sửa lại giá thành 250 nghìn đồng. Sau đó, tôi giảm giá 20% thì thực chất vẫn là giá cũ”, anh H nói.
Cũng có một cửa hàng bán quần áo thời trang như anh H, chị H.A. (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang tranh thủ từng ngày để chuẩn bị cho ngày hội giảm giá Black Friday. Thậm chí, chị A còn phải treo biển giảm giá lên tới 70% để kích thích khách hàng móc hầu bao.
Tuy nhiên, việc giảm giá lên tới 70% này không phải toàn bộ hàng hoá. Mà theo chị A, đó toàn là những mẫu đã cũ, mẫu size to hoặc bán chậm. Chị A phải xả hết số hàng đó trước Tết, bởi nếu để đến năm sau rất dễ bị mốc.
“Việc giảm giá với số hàng tồn dịp Black Friday vẫn có lãi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bán hết số hàng cũ trước Tết. Vì sau tết thì sẽ không ai đi mua quần áo, chưa kể lại sắp đến mùa hè năm sau. Nếu bí quá, tôi sẽ trải bạt ra trước cửa hàng và bán thanh lý đồng giá 100 nghìn đồng”, chị A thông tin.
Đặc biệt, cũng giống anh H, chị A thừa nhận cũng đẩy giá hàng mới lên rồi mới giảm để kích thích người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các khách hàng nữ thường để ý giá và xem trước mỗi mùa Black Friday. Nên cách đối phó với khách hàng theo chị A đó là, nhân viên sẽ giải thích với khách rằng: “Đây loại cùng kiểu nhưng chất này mặc thích hơn”. Hoặc giả vờ vào hỏi người quản lý rồi báo khách rằng, giá trước đây ghi nhầm.
Không thiếu cách để các cửa hàng có thể “qua mắt” người tiêu dùng. Nhất là khi diễn ra Black Friday, các cửa hàng sẽ chật kín khách vào mua bán. Việc “bỏ qua” một vài khách cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh thu của cửa hàng.
Vì thế, nếu có dự định đi mua hàng thời điểm này, người tiêu dùng nên dành thời gian đi xem trước và kiểm tra giá. Nếu có thể liên hệ trước thì nên đặt hàng trước, tới ngày đó chỉ việc đến mua để được hưởng ưu đãi.
Thế Hưng