Dân buôn online chi nửa tỷ đồng mua "đồ chơi" để bán hàng trực tiếp

Đại Việt

(Dân trí) - Livestream (phát trực tiếp) trên sàn thương mại điện tử là phương pháp bán hàng khá phổ biến của giới kinh doanh online hiện nay. Có những đơn vị đầu tư cả nửa tỷ đồng cho việc livestream bán hàng.

Dân buôn online chi nửa tỷ đồng mua đồ chơi để bán hàng trực tiếp - 1

Dàn thiết bị để phục vụ cho việc phát trực tiếp bán hàng lên tới hơn 500 triệu đồng. Ảnh: Đại Việt

Anh Nguyễn Chánh Trung, đại diện một gian hàng kinh doanh mỹ phẩm trên Lazada cho biết, livestream là công cụ cực kỳ hữu dụng trên sàn thương mại điện tử và giúp anh thúc đẩy hiệu quả kinh doanh hơn.

Theo anh Trung, trước buổi livestream, anh thường chuẩn bị kỹ về chủ đề, thông tin sản phẩm và các hoạt động tương tác với người xem như các trò chơi nhỏ để tăng thêm sự hứng thú. Việc tổ chức các trò chơi trong lúc phát trực tiếp cũng giúp giữ chân người xem lâu hơn.

"Chúng tôi đầu tư cho việc phát trực tiếp khá công phu. Chúng tôi có studio để làm việc này. Trong studio sẽ có máy quay phim chuyên nghiệp, dàn âm thanh, ánh sáng và dàn thiết bị kết nối để phát trực tiếp trị giá khoảng 500 triệu đồng" - anh Trung nói

Cũng theo anh Trung, trước đây, công ty anh cũng có mặt bằng để trưng bày và bán mỹ phẩm. Tuy nhiên, sau đó anh đã bỏ hình thức kinh doanh offline và chuyển đổi hoàn toàn sang online theo xu hướng. Việc này giúp cắt giảm 50% chi phí nhân sự, doanh thu tăng trưởng khoảng 10%/tháng.

Anh Trung tiết lộ, gian hàng của anh thường phát trực tiếp từ 3 - 5 lần/tuần vào các khung giờ "vàng" như 12h trưa hay 20h tối. Đây là những khung giờ mà khách hàng nghỉ ngơi để coi livestream nên rất hiệu quả cho việc tiếp cận.

Ngoài ra, sàn thương mại điện tử cũng hỗ trợ gian hàng trong việc thực hiện các thao tác marketing hiệu quả và đào tạo nhà bán hàng livestream.

"Trong lễ hội mua sắm 11/11 vừa qua, chúng tôi đã có doanh thu gấp 20 lần so với ngày thường. Lượng khách theo dõi gian hàng tăng thêm khoảng 5.000 lượt" - anh Trung nói.

Dân buôn online chi nửa tỷ đồng mua đồ chơi để bán hàng trực tiếp - 2

Livestream là công cụ hiệu quả của nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đại Việt

Còn theo chị Phạm Thị Kim Thoa - đại diện một gian hàng camera quan sát trên Lazada - cho biết: Việc phát trực tiếp trên sàn thương mại điện tử đã giúp chị mô tả chi tiết hơn về sản phẩm cho khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng thấy rõ được sản phẩm một cách chân thực cũng như hiểu được tính năng của sản phẩm nhanh chóng.

"Một bác nông dân nuôi tôm dưới Bạc Liêu coi livestream của tôi xong là đặt mua camera liền. Bác ấy chia sẻ việc coi hồ tôm rất cực, nhất là khi tôm sắp thu hoạch. Mỗi đêm bác nông dân phải đi bộ cả chục vòng hồ để canh tôm vì sợ mất trộm. Tuy nhiên, khi biết được loại camera phát hiện chuyển động và báo động thì bác chỉ ngồi một chỗ để quan sát hồ tôm của mình, không phải đi lại nhiều như trước" - chị Thoa vui vẻ nói.

Theo chị Thoa, lúc đầu chị livestream chỉ thu hút khoảng 70 người xem. Sau đó, lượt xem tăng lên khoảng 500 người/lần livestream. Cuối tuần, lượt xem có thể tăng lên 2.000 lượt. Trong các lễ hội mua sắm như 9/9 hay 11/11, doanh số của gian hàng tăng gấp 10 lần bình thường.

Dân buôn online chi nửa tỷ đồng mua đồ chơi để bán hàng trực tiếp - 3

Một chiếc điện thoại vài triệu đồng cũng có thể livestream dễ dàng. Ảnh: Đại Việt

Đại diện Lazada cho biết, việc phát trực tiếp không những giúp các nhà bán hàng thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh của mình, tạo ra việc làm mới mà còn giúp mọi người tương tác và giải trí ngay tại nhà.

"Chúng tôi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hiển thị các sản phẩm livestream phù hợp, đúng tệp khách hàng đang có nhu cầu mua sắm, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng. Đồng thời, dữ liệu của chúng tôi cũng đưa ra các dự báo về nhu cầu của khách hàng để nhà bán hàng có phương án kịp thời", đại diện sàn này cho biết.

Cũng theo đại diện sàn thương mại điện tử nói trên, tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng mua sắm thông qua Lazlive trong quý 3/2020 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đơn hàng thành công thông qua kênh livestream tăng hơn 50 lần. Tổng số nhà bán hàng và thương hiệu tham gia livestream tăng hơn 6,5 lần. Trong đó, số lượng thương hiệu chính hãng trên LazMall tham gia livestream tăng gấp 10 lần.

Ông Trần Tuấn Anh - đại diện Shopee Việt Nam - cũng chia sẻ: Sự phát triển thương mại điện tử trong khu vực đã mang lại những cơ hội mới cho các nhà bán hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các thương hiệu để phát triển kinh doanh trực tuyến.

Số lượng nhà bán hàng trên nền tảng Shopee tăng lên 60% mỗi năm. Sàn thương mại điện tử này này cũng hỗ trợ nhà bán hàng với tính năng phát trực tuyến Shopee Live.

"Đây là công cụ quan trọng để người bán giới thiệu các sản phẩm mới và đưa ra các đảm bảo về mặt chất lượng trong thời gian thực, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng và gia tăng lượt xem trên các buổi phát sóng trực tuyến" - ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, đơn vị này cũng đã ghi nhận hơn 20 triệu lượt xem trên Shopee Live trong lễ hội mua sắm 11/11 vừa qua. Sàn thương mại điện tử này đang là "cầu nối" để những nhà bán hàng có doanh thu tốt hoặc những chuyên gia bán hàng sẽ chia sẻ những bí quyết để giúp các nhà bán hàng khác có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.