1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Biến dạng BOT giao thông:

Dân bức xúc: "Dày đặc trạm thu phí BOT vì động cơ trục lợi"

(Dân trí) - Sau loạt bài về “Biến dạng BOT giao thông”, rất nhiều độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đã gửi thư, ý kiến phản hồi về báo để thể hiện những quan điểm, góc nhìn và phản ánh hiện trạng các tuyến đường, dự án BOT hiện nay. Báo Dân Trí xin trích đăng một số ý kiến của độc giả để rộng đường dư luận.

Trong bài: “Tân trang” đường bộ bằng BOT để thu phí, độc giả Trần Vinh Huân nêu ý kiến: "Dự án BOT nếu làm đúng làm có lương tâm là tốt cho xã hội nhưng làm như tại một số nơi hiện nay là móc túi nhân dân. Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ người ta vẽ ra cái dự án BOT trải lại thảm nhựa rồi ung dung lập trạm thu phí, mỗi ngày thu vài tỷ. Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang cũng diễn theo kịch bản này. Người ta cứ chọn những cung đường đông phương tiện nhất để làm BOT theo kiểu này. Làm BOT như thế ai chẳng làm được. Chỉ có người dân phải gánh chịu thêm những chi phí vô lý mà ko biết phải làm sao? Vì dân đâu có lựa chọn nào khác".

Lỗ, lãi nhỏ sao BOT mọc như nấm sau mưa?

Trong bài Dày đặc trạm thu phí BOT: Dân thiệt, nhà đầu tư thu lợi khủng, độc giả Đào Đinh Hung phản biện: "Ông Dũng đã nói sai khi cho rằng tổng mức đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA có giá thành đắt gấp rưỡi gấp đôi so với tổng mức đầu tư BOT và BT. Tôi không hiểu ông lấy dẫn chứng ở đâu mà so sánh. Lỗ, lãi mỏng sao dự án BOT mọc như nấm sau mưa?"

Dày đặc trạm thu phí, có đường chỉ tân trang, cải tạo nhưng thu được rất nhiều tiền trong khi tổng vốn đầu tư cải tạo thấp hơn nhiều so với làm mới
Dày đặc trạm thu phí, có đường chỉ tân trang, cải tạo nhưng thu được rất nhiều tiền trong khi tổng vốn đầu tư cải tạo thấp hơn nhiều so với làm mới

Còn độc giả Quang Huy nói: "Tại sao thu phí đến 20 năm trên một đoạn đường mà nói là không có lãi? Nâng giá đầu tư lên gấp 4 lần và hạ cách tính thu phí xuống một nửa thì lãi ở đâu?".

Độc giả Nguyên Lập nêu ý kiến: "Là người dân tôi thấy dự án giao thông BOT quá nhiều, chủ trương thì đúng nhưng khi thực hiện bị méo mó, bị trục lợi, nhiều con đường nhà nước bỏ tiền ra làm, cho tư nhân sửa chữa lại mặt đường, mở trạm thu phí như cao tốc như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường QL 5A khi có đường 5B giá vé tăng gấp 4,5 lần, mặc dù đã thu phí bảo trì đường bộ, rõ ràng người dân đang phải còng lưng đóng các khoản phí chưa chính đáng, phí chồng phí".

Trong các bài về sai phạm về dự toán của một số dự án mà Dân Trí đã nêu, độc giả Minh Quân cho biết: "Người dân đi qua những đoạn đường BOT, ai cũng biết là phải có ông lớn chống lưng, thế họ mới dám khai khống, mới có nghi án thu 4-5 tỷ/ngày khai có 1 tỷ, họ tố cáo nhau thời gian qua nên lòi ra cái đuôi. Dự án làm đường thì sai phạm tới 1.900 tỷ, thanh tra kiểm soát dày đặc vẫn sai do đâu? Cái này nhân dân mong muốn chính phủ mới điểm mặt chỉ tên và khởi tố đưa ra ánh sáng những quan chức bảo kê cho sai phạm, những nhóm lợi ích cụ thể phải được phơi bày. Chứ không phải cứ chung chung đánh giá là có sai phạm nhưng không cụ thể dẫn đến nhân dân hoài nghi, dư luận bức xúc".

Độc giả Hao Hoa đưa ra giải pháp: "Tất cả các trạm thu phí sử dụng thẻ thanh toán của nhà nước phát hành. Mỗi lần qua quẹt thẻ trừ tiền trong thẻ. Nhân viên trạm chỉ cần theo dõi thẻ quẹt đó có đúng với biển số xe hay không mà thôi. Như vậy nhà nước quản lý được đoạn đường đó hoàn vốn và lãi. Đơn giản vậy mà bàn cãi mãi".

Về mức phí đường BOT, nhiều độc giả Dân Trí tỏ ra rất bức xúc về các tuyến đường cũ được tân trang, độc giả Lan Đặng bức xúc: "Đoạn Yên Viên- Bắc Giang chiều dài 500m cũng 35.000 đồng vậy 1km là 70.000 đồng, bất hợp lý! Các chủ đầu tư cứ chặn đường thu tiền, kệ dân phản ánh, kiến nghị, vậy của dân vì dân ở đâu?"

Nhiều độc giả tỏ hoài nghi về các tuyến đường cũ được thảm lại để các chủ đầu tư thu tiền lớn. Độc giả Trinh Van Tuan nói chung thực trạng: "Nhiều tuyến đường làm trước kia, bây giờ dải thêm tý nhựa mặt đường rồi lập trạm thu phí BOT có nên không? Chúng ta thấy có rất nhiều đấy ví dụ như đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn đi Lạng Sơn, Quốc lộ 1A...."

Mù mờ và thiếu minh bạch, chỉ khổ người dân

Cũng phản ánh về bất cập thu phí BOT, độc giả Quan Dinh bức xúc: "Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang làm đường thật quá quắt không chịu nổi. Đường vốn là của Nhà nước chỉ trải nhựa thôi cũng thu phí. Đi vào hoạt động thì ùn tắc qua trạm triền miên. Đã thế chủ đầu tư còn dành hết các làn đường để đặt barie thu phí ô tô chỉ dành mỗi bên khoảng 1 mét cho các xe thô sơ xe máy và xe 3 bánh di chuyển, nên rất nhiều trường hợp người đi lại đi qua va quệt bị ngã. Mong các nhà báo vào cuộc để làm rõ chứ ngày nào người dân chúng tôi cũng đi xe máy qua mà tức không chịu nổi".

Về quy định 70 km đường cao tốc mới được đặt trạm thu phí, khá nhiều độc giả bức xúc vì thực tế không phải vậy, độc giả Vat Lexuan cho biết: "Chính phủ quy định trên 70 km mới được lập trạm thu phí, sao cơ quan quản lý Nhà nước lại bơ đi. Cho đầu tư BOT tràn lan không theo quy định, đè dân ra mà thu tiền, ai kiểm soát được tổng mức đầu tư, kiểm soát cách tính phí thu.... Có tuyến đường có sẵn hàng chục năm giờ bôi trên mặt tí bê tông là thu BOT, khổ dân thôi đã nghèo không có sự lựa chọn".

Độc giả Nguyễn Quốc Dũng nêu quan điểm: "Tôi từ Vĩnh Phúc xuống Thái Bình ra khỏi nhà là gặp trạm thu phí BOT Vĩnh Yên - Nội Bài kế đến là BOT cầu Thăng Long tiếp đến là cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nối tiếp là Cao tốc Ninh Bình, tiếp tục là Liêm Tuyền- Nam Định hết Nam Định là cầu Tân Đệ (Thái Bình) quãng đường chỉ có 165 km mà có đến 5 cái trạm thu phí".

Độc giả Phúc Hưng bình luận: "Các dự án làm đường giao thông, đường cao tốc...ở các nước khác người ta thu hồi vốn phải từ 30 đến 40 năm. Việt Nam thu hồi vốn có 10 đến 15 năm cộng với phí trạm vé dày đặc và cao khủng khiếp. Đó là miếng mồi béo bở đối với chủ đầu tư BOT. Lợi ích này ngoài chủ đầu tư còn rất nhiều bộ ban ngành khác được hưởng lợi ( lợi ích nhóm ). Quy định 70 km có một trạm thu phí nhưng thực tế bình quân là 40 km. Việc này Bộ Giao thông quy định nhưng chính bộ lại tiếp tay cho chủ dự án đặt trạm thu phí như vậy ? Khi thu phí bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông có hứa là bỏ một số trạm thu phí nhưng đến giờ gần như không thực hiện".

Nhà tôi cũ, sao anh sửa rồi cho thuê như khách sạn được?

Về suất đầu tư, chất lượng đường BOT, nhiều độc giả bình luận: “Khai khống đầu vào, làm tăng suất đầu tư (vì BOT không phải vốn trực tiếp từ ngân sách nên dễ dãi phê duyệt), đã có nhiều chuyên gia phân tích về suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam khủng như thế nào so với thế giới, nhưng chất lượng so với họ thế nào thì ai cũng biết. Hệ lụy ở đây là doanh nghiệp có lý do tăng phí hoặc tăng thời hạn thu phí một cách rất hợp pháp”, độc giả Dan Viet nói.

Độc giả Le Giang ví von: "Đầu tư BOT hiện nay không khác gì kiểu nhà tôi cũ, các anh có tiền đến sửa nhà rồi sau đó tôi ở cũng chính căn nhà của tôi nhưng giá thuê thì bằng tiền khách sạn. Đã nghèo nay càng nghèo hơn! Biết thế chịu khổ hơn một tý cũng được".

Một độc giả khác bình luận, doanh nghiệp đầu tư thì phải có lợi nhuận, vấn đề lợi nhuận ở mức nào. Vấn đề then chốt dẫn đến phí thu cao là liên quan đến tổng mức đầu tư có đúng thực tế không, hay ông khai vống lên để lấy phí cao mới đủ bù chi phí. Suất đầu tư đường cao tốc theo BOT ở Việt Nam thuộc hàng "khủng" thế giới, nhưng chất lượng thì TOP kém nhất thế giới (trong khi chi phí nhân công quá rẻ so với thế giới) đã nói lên điều này.

Độc giả Đào Đinh Hung kiến nghị: "Rõ ràng với sự không minh bạch về tài chính, dòng thu, nhất là việc nhà đầu tư chỉ báo cáo lượng xe đi qua trạm với cơ quan Nhà nước, nhưng lượng xe thực là bao nhiêu thì chỉ có nhà đầu tư biết. Đề nghị có cơ quan kiểm tra giám sát đếm xe vào thời điểm cao nhất và thấp nhất. Đồng thời kiến nghị giảm phí cho dân và doanh nghiệp ngay không dẫn đến chi phí xã hội và chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam".

Độc giả Thuongdan nói: "Các nhà đầu tư nhiều tuyến BOT thực chất chỉ là nâng cấp đường cũ, cải tạo mặt, nền đường, để rồi lập chốt chặn đường thu phí!? Cứ tưởng đường sá thông thoáng thì kinh tế đất nước phát triển? Nhưng cứ với hiện tượng đầu tư, thu phí như thế này thì: Dân, thiệt, doanh nghiệp khó khăn, Nhà nước cũng bị thiệt hại cuối cùng là làm chậm phát triển kinh tế quốc dân! Trên đây là mấy điều suy tư của người dân, nếu thấy được, xin các chuyên gia kinh tế bớt chút thời gian xem xét, còn như chuyện này xưa rồi thì thôi !?"

Nguyễn Tuyền (tổng hợp)

Dân bức xúc: "Dày đặc trạm thu phí BOT vì động cơ trục lợi" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm