1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Biến dạng BOT giao thông:

Bài 3: “Tân trang” đường bộ bằng BOT để thu phí

(Dân trí) - Bên cạnh một số tuyến đường mới bằng hình thức BOT có thu phí thì có khá nhiều tuyến đường đã và đang được cải tạo, nâng cấp bằng hình thức BOT và cũng lập trạm thu phí. Điều này khiến số lượng các trạm thu phí BOT thêm dày đặc, nhất là các thành phố, những đầu mối giao thông trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), giai đoạn 2011 - 2015, sẽ có 69 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, tiếp đến, giai đoạn 2016 -2020 sẽ thực hiện tiếp 27 dự án khác. Về địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương sẽ thực hiện 35 dự án giao thông theo hình thức BOT.

10 năm, sẽ có 130 dự án BOT giao thông

Cũng theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, đến năm 2025 thành phố sẽ tăng lên 20 trạm thu phí và 11 năm nữa, số trạm thu phí sẽ tăng gần gấp ba lần so với hiện nay.

Một trạm thu phí cao tốc (ảnh Ngọc Thắng)
Một trạm thu phí cao tốc (ảnh Ngọc Thắng)

Theo quy định về phân cấp quản lý các dự án giao thông đường bộ thực hiện bằng BOT thì các công trình giao thông do địa phương quản lý, UBND cấp tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án. Các dự án do Bộ GTVT quản lý thì Bộ sẽ là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký và cấp giấy chứng nhận.

Chủ trương xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh mở rộng các tuyến đường là đúng và phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội, giao thương và đi lại. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần có chiến lược và quy hoạch để xây dựng BOT những đoạn hợp lý, những tuyến quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Cần sớm ban hành quy hoạch phát triển dài hạn về chủ trương đầu tư BOT, không thể thực hiện đại trà như hiện nay. Về Hà Nội, khắp các tuyến đường huyết mạch đều có trạm thu phí BOT như: Pháp Vân – Cầu Giẽ; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 5A, 5B; đường Hà Nội – Vĩnh Phúc – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai… Hiện, ngoài quy hoạch quản lý BOT của Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) quản lý và cấp phép, nhiều tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng giao thông bằng BOT, nếu không quản lý được sẽ nảy sinh bất cập.

Tại hội nghị mới về minh bạch phí BOT trong các dự án giao thông, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Cần có lộ trình và kế hoạch làm đường cao tốc hoặc đường khác bằng hình thức BOT. Cái nào làm trước, cái nào chưa nên làm thì kiến nghị mở rộng. Không thể cùng lúc biến tất cả con đường thành BOT để thu phí được”.

Trên thực tế, một số tuyến đường, chủ đầu tư không cần xây dựng mới, giải tỏa, đền bù mặt bằng nhưng vẫn thu phí BOT cao, trong đó có tuyến: Quốc lộ (QL) 5A (Hà Nội – Hải Phòng) dài khoảng 120 km, có 2 trạm thu phí tại Hải Phòng và Hưng Yên.

Theo quy định, đây là đường ngân sách nên không thu phí, tuy nhiên được sự đồng ý của Chính phủ cho đường này được thu phí để bù giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (QL 5B) cùng một chủ đầu tư.

Chính vì việc duy trì trạm thu phí này, khá nhiều xe vận tải hạng nặng “trốn” trạm thu phí để di chuyển sang các đường tỉnh lộ thuộc địa phận Hải Dương, khiến một số tuyến đường của địa phương này bị quá tải, cày xới và xuống cấp nghiêm trọng.

Chung phần, chung cả mức phí

Hiện ngoài những dự án xây mới hoàn toàn bằng BOT như cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây; TP.HCM – Trung Lương… thì có khá nhiều dự án BOT giao thông là cải tạo, nâng cấp từ đường cũ, chỉ mở rộng thêm hoặc cải tạo mặt đường.

Có thể điểm qua như dự án cải tạo nâng cấp QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (45 km) sau hơn 18 tháng triển khai, với tổng vốn đầu tư 4.210 tỷ đồng đã triển khai thu phí từ 25/5 với mức phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt/xe (tùy theo tải trọng).

Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình) với chiều dài hơn 30 km được phép thu phí tháng 10/2015. Đây là dự án nâng cấp, cải tạo nằm trong dự án với tổng vốn 2.942 tỷ đồng.

Một dự án khác là cải tạo nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 có chiều dài 29 km, mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 6.731 tỷ đồng). Đây là dự án tận dụng đường cũ với bề rộng nền đường là 25 m, để cải tạo thành đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án này đã hoàn thành và thu phí vào tháng 10/2015 với giá vé 10.000 đến 180.000 đồng/vé/lượt phương tiện, tùy theo đoạn tuyến…

Giai đoạn 2 của dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ có mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe; bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được đưa vào khai thác đầu năm 2018.

Trên thực tế, người dân vẫn thắc mắc những tuyến đường cải tạo, nâng cấp không phải tốn quá nhiều tiền vào việc giải phóng mặt bằng, đắp nền đường, mở rộng vỉa hè… như xây dựng mới nhưng lại có mức phí tương đương với các đường được đầu tư mới.

Về điều này, trong báo cáo hiện trạng quản lý Nhà nước đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT mà Bộ KH&ĐT gửi Thủ tướng tháng 1/2016 có nêu: “Theo quy định Thông tư số 159/2013/TT-BTC, mức thu phí được áp dụng chung cho từng loại phương tiện, chưa căn cứ vào chất lượng, quy mô của từng dự án cụ thể. Với mức thu phí chung này, chưa phản ánh đúng bản chất giá dịch vụ”.

Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, về phí thì các dự án BOT không phân biệt giữa dự án BOT xây mới hoàn toàn (giải phóng mặt bằng) và dự án BOT cải tạo và nâng cấp. Phân biệt lớn nhất là nếu cải tạo, nâng cấp thời gian thu sẽ ngắn hơn và mức phí thu được quy định theo mức giá trần của Bộ Tài Chính.

“Mức thu phí phải được xác định ngay từ đầu (khi đề xuất dự án, lựa chọn nhà đầu tư); mức thu phí phải được quy định cho từng loại đường, cấp đường và chiều dài đường. Bên cạnh đó, các hợp đồng BOT giao thông đều có nội dung mở, nếu thay đổi doanh thu, lưu lượng xe thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế”, báo cáo Bộ KH&ĐT nêu.

Nguyễn Tuyền