1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

DaiABank - HDBank: Vì sao "tình trong như đã, mặt ngoài còn e?"

(Dân trí) - Mặc dù chủ trương đã được NHNN chấp thuận và thỏa thuận nguyên tắc đã được ký với nhau, lãnh đạo của hai bên trong thương vụ sáp nhập "thị trường" đầu tiên của ngành ngân hàng VN vẫn e dè khi nhắc tới.

Giới làm ăn chờ đợi xem hồi kết của cuộc đàm phán kéo dài cả năm trời giữa HDBank và DaiABank
Giới làm ăn chờ đợi xem hồi kết của cuộc đàm phán kéo dài cả năm trời giữa HDBank và DaiABank
 
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày hôm qua 27/4, câu hỏi chất vấn của cổ đông về chủ đề sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác đã có vẻ như khiến chủ tọa Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HDBank mất vài giây cân nhắc.

 

Đặc biệt, trước câu hỏi cụ thể của một cổ đông rằng "Gần đây trên các phương tiện truyền thông đưa thông tin về HDBank có kế hoạch hợp nhất với một ngân hàng khác, mà cụ thể là DaiABank, kế hoạch này đang thực hiện thế nào? Quyền lợi cổ đông được đảm bảo như thế nào?”, bà Băng Tâm đã thừa nhận đây là chuyện "nhạy cảm".

 

"Đây là vấn đề nhạy cảm, không nằm trong chương trình chính thức của Đại hội. Tuy nhiên để trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ toạ đoàn xin thông tin như sau:Từ đại hội năm trước, Đại hội đồng cổ đông đã chấp thuận chủ trương mua lại, sáp nhập một ngân hàng khác vào HDBank. Đến nay công việc này vẫn đang được HĐQT tiến hành một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Về thông tin DaiABank sáp nhập, hợp nhất với HDBank, chúng tôi đã có thỏa thuận nguyên tắc về việc hợp tác 2 ngân hàng và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương. HĐQT đang tích cực làm việc, khi nào có phương án cụ thể sẽ báo cáo chi tiết với các cổ đông. HĐQT cũng đã thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp đánh giá phân tích, đồng thời xây dựng phương án M&A theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo lợi ích cổ đông", trích lời bà Băng Tâm.

 

Về phía DaiABank, thông tin thậm chí còn tiết chế hơn, khi ông Lê Hữu Tịnh - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT không xác nhận bất kỳ điều gì liên quan đến "mối tình tự nguyện" này.

 

Thực chất, thông tin HDBank và DaiABank đã chủ động "tìm hiểu" nhau cả năm trời không còn là mới mẻ. Cũng phát biểu tại ĐHĐCĐ HDBank hôm qua, ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM nói rõ: “Hiện nay HDBank đã có thoả thuận nguyên tắc với DaiABank và đã có sự chấp thuận chủ trương của NHNN TW. Quá trình của hai bên đã có hơn 1 năm nay và hiện nay vẫn đang tiếp tục”.

 

Cần nhớ, HDBank và DaiABank không nằm trong diện yếu kém phải tái cấu trúc bắt buộc, nên việc hai bên đã ký thỏa thuận nguyên tắc và trình NHNN chấp thuận thể hiện tiến trình câu chuyện đã đi một chặng đường đủ dài, và HDBank đã giữ được vị thế quan trọng trong cơ cấu sở hữu của DaiABank.

 

Đã có lúc, hai bên cùng dự định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường cùng một ngày để xin ý kiến cổ đông về phương án tái cấu trúc. Điều đó cho thấy mối duyên đã ở đâu đó rất gần ngày hôn nhân. Nhưng chỉ ít ngày sau, cả hai bên lại cùng... hoãn ĐHĐCĐ bất thường. Và điều đó, ngược lại, cho thấy vẫn còn cản lực nhất định nào đó mà những người trong cuộc vẫn cần ngồi lại với để tháo gỡ tiếp.

 

Thực tế, DaiABank không phải là đối tác đầu tiên mà HDBank tìm hiểu để sáp nhập. Trước đó HDBank từng tìm hiểu sâu một ngân hàng yếu kém để nhận sáp nhập, nhưng phút chót lãnh đạo HDBank quyết định dừng cuộc chơi vì đối tác "chơi không đẹp". Câu chuyện chia tay phút chót đó cho đến nay vẫn được nhắc tới, như là một sự tham bát bỏ mâm của những kẻ cùng đường và đương nhiên người phải trả giá nhiều hơn chính là những kẻ yếu thế trong tình thế tái cấu trúc bắt buộc.

 

Một thực tế khác, trong hai năm qua dù công bố hay không công bố nhưng thị trường đã được thấy nhiều động thái tìm kiếm, chào mời hoặc những hành động cụ thể hơn nữa giữa các ngân hàng trong xu thế M&A. Không tính các ngân hàng tái cấu trúc bắt buộc, DongABank, MB, Sacombank, Eximbank... là những cái tên có thể đưa ra làm ví dụ về chủ trương hay hành động để hướng tới sáp nhập với một ngân hàng khác.

 

Nhưng đến nay chưa có cuộc sáp nhập "thị trường" nào thành công, và cũng chưa có câu chuyện nào tiệm cận tới đích như thương vụ HDBank và DaiABank.

 

Ở HDBank, có sự dè dặt trong công bố thông tin, nhưng không có dấu hiệu cho thấy có sự bất đồng nào trong quan điểm của bộ máy lãnh đạo.

 

Nhưng với DaiABank, một ngân hàng có cơ cấu sở hữu không đơn giản, với nhiều nhóm cổ đông đại diện nhiều quyền lợi khác nhau thì tìm được sự thống nhất có lẽ sẽ khó khăn hơn. Và có thể hiểu, việc đàm phán với một ngân hàng có cơ cấu phức tạp chính là phải đàm phán với nhiều nhóm quyền lợi khác nhau.
 
Nói cách khác, muốn giải bài toán chung, phải giải nhiều bài toán riêng với các lời giải khác nhau. Lời giải có thể là định hướng phát triển hậu sáp nhập, có thể là thương hiệu, có thể là quyền lợi cho người lao động sau sáp nhập, có thể đơn giản hơn là giá cổ phần. 

 

Và cũng vì thế, quá trình thương thảo của cuộc M&A "tự nguyện" đầu tiên này sẽ còn nhiều điều thú vị, mặc dù khó có ngân hàng nhỏ nào có thể cưỡng lại xu hướng sáp nhập để kết hợp nguồn lực mạng lưới, nhân lực, tài lực, quản trị nhằm đứng vững trong một ngành có quá nhiều đối thủ là "cá lớn" như ngành ngân hàng.

 

Hồng Kỹ