Đại sứ kể chuyện "phá băng" hợp tác mua bán gạo Việt Nam - Iran

(Dân trí) - "Bán gạo sang Iran chẳng đơn giản chút nào. Thị trường gạo dường như có bàn tay vô hình nào đó điều khiển. Không biết ai là người mua người bán. Chẳng có công ty nào là công ty mua bán gạo. Cán bộ thương vụ ở tại chỗ đến 5 năm cũng không có thông tin gì".

LTS: Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, còn Iran là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 nhưng từ trước đến nay hầu như không có việc mua bán gạo giữa hai nước. Tuy nhiên, gần đây, một bản ghi nhớ về trồng giống lúa Iran tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông này đã được ký kết.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch đã chia sẻ với Dân trí về hành trình gian nan nhằm "phá băng" trong lĩnh vực mua bán gạo giữa Việt Nam và Iran.

Chông gai tiếp cận thị trường gạo Iran

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, còn Iran là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Nigeria, nhưng hai nước gần như không mua gạo của nhau. Nói gần như vì tôi được biết có lần Việt Nam đã bán được lô gạo sang Iran nhờ Đại sứ Iran ở Việt Nam lúc đó là ông Sajjadi giới thiệu. Câu chuyện cũng đã hơn 15 năm khi tôi sang nhận nhiệm vụ ở Iran. Từ đó đến nay không có chuyện mua bán gạo giữa hai nước.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch trao đổi với phía Iran trước khi ký Bản ghi nhớ về trồng giống lúa Iran tại Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch trao đổi với phía Iran trước lễ ký Bản ghi nhớ

Sang đến nơi mới thấy bán gạo sang Iran chẳng đơn giản chút nào. Thị trường gạo dường như có bàn tay vô hình nào đó điều khiển. Không biết ai là người mua người bán. Chẳng có công ty nào là công ty mua bán gạo. Cán bộ thương vụ ở tại chỗ đến 5 năm cũng không có thông tin gì. Khi hỏi bạn xem có công ty nào mua gạo giới thiệu thì cũng chỉ nghe những lời hứa hẹn rồi im lặng vẫn hoàn im lặng.

Ra ngoài nhà hàng thấy người Iran dùng gạo nhiều hơn người Việt, nhưng gạo của người Iran cũng khác gạo của Việt Nam. Trong khi của Việt Nam là những hạt gạo tròn, ngay cả những hạt gạo dài thì cũng không dài như những hạt gạo Iran. Cách thổi cơm của họ cũng khác. Trong khi cơm của ta phải dẻo, phải dính với nhau thì cơm của họ luôn rời ra từng hạt. Hương của gạo cũng khác. Thế mới thấy việc không bán được gạo sang Iran cũng là có lý do của nó. Muốn bán được gạo chắc chắn phải trồng giống lúa hợp với khẩu vị của bạn.

"Cách làm chẳng giống ai" và cơ hội cho Việt Nam

Với suy nghĩ như vậy nên khi có một doanh nghiệp Mỹ gốc Iran đến tìm mua gạo cho các chương trình của nhà nước tôi nghĩ ngay đây là một cơ hội. Các chương trình của nhà nước thì yêu cầu về chất lượng và chủng loại gạo sẽ không khắt khe như gạo cho thị trường tự do. Đây sẽ là cơ hội để bán gạo lại sang thị trường này.

Với suy nghĩ như vậy tôi đặt vấn đề với bạn có thể cùng nghiên cứu để trồng giống lúa hợp với khẩu vị Iran ở Việt Nam để xuất sang Iran. Cùng đi với doanh nghiệp Mỹ gốc Iran còn có doanh nghiệp Nhật Bản gốc Iran. Bạn giới thiệu luôn ở Nhật có kỹ sư đang thực hiện nghiên cứu giống lúa Iran. Những ý tưởng gặp nhau. Cả khách lẫn chủ thống nhất về một dự án trồng lúa ở Việt Nam theo vốn và công nghệ Nhật Bản để xuất khẩu sang thị trường Iran. Một cách làm chẳng giống ai và chưa từng có, nhưng nó mở ra một cơ hội to lớn với một thị trường ổn định cho gạo Việt Nam.

Nhưng vấn đề đặt ra ai là người thực hiện. Đúng lúc đó đoàn Cần Thơ sang thăm Iran. Tôi đã mời phía Iran đến làm việc với đoàn Cần Thơ và đoàn cũng nhận thấy ý tưởng rất hấp dẫn. Đoàn Cần Thơ chỉ ở Iran có 3 ngày. Nếu để câu chuyện này bàn đi bàn lại sẽ lại rất dễ bị lãng quên, ý tưởng rất dễ rơi vào tình cảnh "qua cầu gió bay". Tôi đề nghị trong 3 ngày đoàn ở Iran hai bên trao đổi để có thể thống nhất về một bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này. Bạn cũng là những đối tác có kinh nghiệm trong soạn thảo văn bản nên trong 3 ngày một dự thảo Bản Ghi nhớ đã được soạn thảo, rất chi tiết và bài bản.

Vấn đề nữa nảy sinh là nếu theo cách làm mọi văn bản đều phải qua cơ quan chuyên môn có ý kiến thì chắc chắn sẽ không kịp và để nhen nhóm lại mong muốn hợp tác không phải đơn giản. Tôi đã nghiên cứu các câu chữ trong dự thảo văn bản để cố vấn cho đoàn. Cán bộ cấp Sở của Cần Thơ có ý kiến về một số điều khoản của bản ghi nhớ chẳng hạn như Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm cung cấp “indicative prices” cho phía Iran. Nếu dịch là UBND phải đưa giá chỉ định cho đối tác thì sẽ là cái khó cho việc ký. Nhưng nếu hiểu đó chỉ là giá định hướng và việc cung cấp giá này cho đối tác đơn giản là lấy đúng giá thị trường để cung cấp cho phía bạn thì sẽ không có vấn đề gì cho việc ký văn bản. Việc thảo luận cũng còn một hai điều khoản tương tự như vậy phải vượt qua để đi đến thỏa thuận. Cuối cùng, văn bản đã được ký.

Ngày hôm sau, trên báo lớn của bạn cả tiếng Anh lẫn tiếng Ba Tư đều chạy tít lớn bài dài về dự án trồng lúa Iran ở ngoài Iran. Doanh nghiệp bạn sau này cho biết việc lên mặt báo làm cho các công ty Ấn Độ, Pakistan hiện vẫn đang bán gạo cho Iran lo ngại và liên lạc ngay với họ để tìm chỗ đứng trong cách làm ăn mới này.

Phía bạn gặp lại tôi và đề nghị thực hiện đúng điều khoản bạn được độc quyền trong việc trồng lúa Iran ở Cần Thơ. Tôi đồng ý vì điều này đã có trong Bản Ghi nhớ và một khi chúng ta đã hội nhập chữ tín là cực kỳ quan trọng. Nhưng tôi cũng phát hiện ra ngay bạn định mở rộng khái niệm độc quyền trong cả việc bán gạo sang Iran. Riêng điều này tôi cũng giải thích ngay với bạn trong bản ghi nhớ không có. Bạn tâm phục khẩu phục.

Câu chuyện trồng lúa Iran ở Việt Nam sẽ còn phải vượt qua chặng đường dài để đi đến đích. Nhưng ít nhất đây cũng là sự khởi đầu, mà không có khởi đầu sẽ không bao giờ có kết thúc. Ấn tượng của Bản Ghi nhớ làm trong 3 ngày này là ở chỗ làm ngoại giao phải biết vượt qua những cái khung, hay người ta nói phải nghĩ ra ngoài cái khung (think out of box) thì lúc đó mới có thể có đột phá. Làm ngoại giao chính trị đã vậy mà ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế lại càng phải thế.

Nguyễn Hồng Thạch
Đại sứ Việt Nam tại Iran

Đại sứ kể chuyện "phá băng" hợp tác mua bán gạo Việt Nam - Iran - 2