Đại sứ EU: Việt Nam nên "Đổi mới" lần 2 từ chuyển dịch năng lượng xanh
(Dân trí) - Theo ngài Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam có thể lấy kinh nghiệm của các nước EU về chuyển đổi năng lượng ô nhiễm sang năng lượng sạch. Nếu làm được điều này, Việt Nam ghi nhận thêm sự "đổi mới" lần thứ hai đất nước mà không những thế hệ sau biết ơn mà cả thế giới biết ơn.
Trong tham luận Diễn đàn Phát triển Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, với tư cách là Đại sứ EU - khối những nước phát triển nhất thế giới, ngài Bruno cho rằng Việt Nam chia sẻ hoàn toàn có lợi thế để phá vỡ vòng luẩn quẩn của năng lượng để theo đuổi công bằng xã hội, tăng trưởng xanh, giảm phát khí thải theo vòng xoắn tiến.
Ông Bruno cho rằng, vì Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu nên EU thực hiện chương trình năng lượng lớn nhất của mình ngoài EU. Với gói tài trợ khoảng 270 triệu Euro tài trợ không hoàn lại, ngày nay những nỗ lực của EU đã cùng Việt Nam đưa 98% người dân được tiếp cận điện năng. Đây là thành công lớn so với các nước láng giềng.
Theo Đại sứ EU, trong vòng 2 năm trở lại đây kể từ khi giá điện mặt trời được xây dựng và tăng giá điện gió, Việt Nam là điểm đến cho sự quan tâm của nhà đầu tư năng lượng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện hợp đồng mua bán điện mẫu vẫn thiếu tính bảo đảm về mặt pháp luật, chính vì điều này cản trợ việc chấm dứt hợp đồng và các cơ chế tranh chấp của nhà đầu tư một cách dễ ràng, minh bạch hơn.
Ông Bruno cho rằng, kinh nghiệm ở các nước EU, bên cạnh chú trọng điện tái tạo, điện mặt trời áp mái cho hộ dân và khu công nghiệp là nguồn năng lượng bổ sung, thậm chí còn là nguồn điện bán cho điện lực quốc gia khi thừa công suất.
Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để phát triển nguồn diện quan trọng này và chúng ta cần lồng ghép vào chiến lược năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông này, Việt Nam cần có cơ chế chuyển dịch năng lượng theo chính sách bền vững, chuyển từ nguồn năng lượng ô nhiễm sang các nguồn năng lượng sạch toàn diện. Chính phủ cần chuyển từ trợ cấp năng lượng ô nhiễm sang năng lượng sạch, tăng thuế phát thải CO2 với than để trợ giá năng lượng sạch.
Việt Nam cần một cơ cấu năng lượng hợp lý, đặc biệt có thể sử dụng khí. Việc bỏ than trong sản xuất năng lượng cần được thực hiện dần từng bước nhưng phải quyết tâm dù Việt Nam không thể thay thế toàn bộ điện than bằng điện tái tạo. Nếu áp dụng cơ cấu tốt giữa điện tái tạo với điện khi và than có thể giảm thiểu 50% phát thải CO2.
Thành công của EU trong giảm thiểu phát thải CO2 là sự phối hợp hiệu quả giữa năng lượng tái tạo và khí. Việt Nam hiện đang thiếu một khuôn khổ pháp lý phù hợp trong khi đó, giá điện thấp đã làm giảm đi động lực giảm tiêu thụ điện toàn xã hội.
"Không giảm cường độ sử dụng điện trong tiêu dùng, sản xuất sẽ lãng phí tiền bạc, chi phí đặc biệt là đối tượng hộ nghèo", ông Bruno nêu.
Đại sứ EU cho rằng, Việt Nam có thể đẩy nhanh chiến dịch năng lượng theo hướng kết hợp cơ cấu năng lượng xanh, sử dụng hiệu quả điện và chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.
"Việc chuyển đổi năng lượng nâu - (than đá) sang năng lượng xanh cần hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, không chỉ người dân thành thị, nhà máy mà ngay cả người nông dân cũng cần được khuyến khích sản xuất, sử dụng điện trên mái nhà... Để làm được điều này, chúng ta cần có chính sách thông thoáng, cởi mở", ông Bruno cho hay.
Theo Đại sứ EU, Việt Nam có thể làm được, làm thành công và cần làm các chuyển đổi nguồn năng lượng nói trên. Chuyển dịch năng lượng từ "nâu" sang "xanh" có thể là một "Đổi mới" của Việt Nam trong kỷ nguyên này.
Việt Nam đã thay đổi đất nước từ "Đổi mới" lần 1 năm 1986, kéo theo sự thay đổi của nền kinh tế bao cấp, từ nước nhập lương thực, chậm phát triển sang nước có thu nhập trung bình, nền kinh tế mở cửa, hội nhập, hướng ra xuất khẩu và có bước tiến lớn trong xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...
Đại sứ Bruno cho rằng, nếu Việt Nam thực sự tiến hành cuộc "Đổi mới" thứ 2 này, không chỉ thế hệ sau của Việt Nam rất biết ơn nỗ lực và thành công của chúng ta mà cả thế giới sẽ biết ơn.
Nguyễn Tuyền