Đại lý ô tô tung chiêu "bia kèm lạc"
Nếu đại lý không giao xe đúng hẹn phải bồi thường gấp đôi, gấp ba tiền đặt cọc.
Người tiêu dùng đang khấp khởi vui mừng chờ đón nhiều mẫu xe mới ra mắt những tháng cuối năm 2018 để mua xe kịp chơi Tết thì bị “dội gáo nước lạnh” khi các đại lý giở trò “bán bia kèm lạc”. Tình trạng này chủ yếu xảy ra đối với các mẫu xe hút khách.
Không muốn cũng phải mua
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến một đại lý Toyota trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM. Tại đây, nhân viên bán hàng thông tin các mẫu xe như Wigo, Avanza… của hãng Toyota giao xe trong tháng 10-2018 nhưng mẫu xe Rush thì phải đến tận tháng 2 hoặc tháng 3-2019 mới có xe.
“Giá xe 668 triệu đồng; giá có luôn bảo hiểm thân xe là 762 triệu đồng; cộng với gói phụ kiện gồm năm món nữa là 50 triệu đồng. Như vậy, mức giá xe lăn bánh là 812 triệu đồng. Phụ kiện gồm camera hành trình, bảng hiển thị tốc độ, bộ cảnh báo điểm mù, dán phim cách nhiệt, phủ gầm” - nhân viên bán hàng tên S. giải thích.
Khi chúng tôi tỏ ý không muốn lấy gói phụ kiện thì nhân viên này trả lời dứt khoát “không được, muốn mua xe thì phải mua gói phụ kiện”. Thậm chí ngay cả mẫu xe bốn chỗ Wigo dù có xe sẵn giao ngay, khách hàng vẫn phải mua gói phụ kiện đi kèm với giá 10 triệu đồng dù có muốn hay không.
Mua xe nhưng… chưa chắc có xe
Theo khảo sát của chúng tôi, cũng là chiêu “bán bia kèm lạc” nhưng một số đại lý lại không ghi trong hợp đồng đặt cọc mà chờ tới thời điểm giao xe mới thông báo mức giá gói phụ kiện. Mặt khác, đến thời điểm giao xe, khách hàng cũng chưa chắc có xe.
“Có nghĩa là đến thời điểm giao xe, nếu đại lý áp dụng gói phụ kiện 40-50 triệu đồng thì đại lý ra thông báo, khách hàng đồng ý thì ký hợp đồng chính thức (chấp nhận mua gói phụ kiện). Còn không chấp nhận thì trả lại tiền cọc 30 triệu đồng/xe” - nhân viên tên S. tại đại lý Toyota trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM giải thích.
Khảo sát nhiều đại lý ô tô khác trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi cũng thấy có tình trạng tương tự. Đặc biệt, do sức hút của mẫu xe thể thao đa dụng nhập khẩu Rush của hãng xe Nhật Bản Toyota đang nóng lên từng ngày nên nhiều đại lý ô tô đều thông báo hết hàng, khách hàng đặt cọc tiền bây giờ nhưng đến năm 2019 mới được giao xe. Không chỉ vậy, nắm được tâm lý muốn mua xe dịp cuối năm của khách hàng, nhiều đại lý tung chiêu “bán bia kèm lạc”.
Chị Ninh, nhà ở quận 12, TP.HCM bức xúc cho biết chị muốn mua mẫu xe bảy chỗ Rush cho gia đình. “Nhân viên đại lý ô tô nói muốn có xe, tôi phải mua thêm gói phụ kiện. Nếu tôi đặt cọc xe lấy ngay tại đại lý thì gói phụ kiện chỉ 20 triệu đồng. Nếu đặt cọc bây giờ, đến tháng 2-2019 nhận xe thì phải mua gói phụ kiện tầm 80 triệu đồng. Lý do nhân viên đại lý đưa ra là do độ hút của xe nên bán xe kèm với gói phụ kiện trên, khách không có sự lựa chọn” - chị Ninh chia sẻ.
Chị Ninh cho biết phụ kiện kiểu “bán bia kèm lạc” mà đại lý muốn khách phải mua theo xe thường là phim cách nhiệt cao cấp, lót sàn simili, camera hành trình, phủ gầm, viền che mưa…
Nhiều đại lý lấy lý do không có xe nên yêu cầu người mua phải mua thêm gói phụ kiện nếu muốn kịp có xe đi vào dịp Tết.
Phụ kiện giá trên trời
Ông Võ Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Bình Minh, nhận xét việc các đại lý bán hàng kiểu “bia kèm lạc” là cách làm ăn không đàng hoàng nhằm thu thêm lợi nhuận từ việc bán xe, ép khách hàng mua những phụ kiện mà chưa chắc khách hàng đã muốn mua.
Ông Bình nhấn mạnh: “Khi khách hàng mua xe, việc mua phụ kiện hay không là quyền của họ, không thể ép họ mua được. Tuy nhiên, lợi dụng sự khan hiếm hàng gần đây, chủ yếu đối với xe nhập khẩu của một số thương hiệu xe như Toyota, Honda, Ford… nên các đại lý tung ra chiêu trò trên. Thậm chí có những phụ kiện không thực sự cần thiết nhưng vẫn ép khách hàng mua thì mới bán xe”.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng Toyota (huyện Bình Chánh, TP.HCM), khi các mẫu xe hút hàng thì các đại lý ô tô thường áp dụng chiêu bán hàng “bia kèm lạc”, nghĩa là mua xe phải mua thêm gói phụ kiện thu lợi, bắt chẹt khách hàng. Đáng nói là giá gói phụ kiện mà các đại lý kinh doanh kiểu “bán bia kèm lạc” đưa ra cho khách hàng cao hơn so với giá trị thực.
“Các đại lý bán gói phụ kiện có khi lời hơn bán xe. Ví dụ, một bộ phụ kiện 5-8 món, giá khoảng 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng/gói. Nhưng thực tế giá bán ngoài thị trường gói phụ kiện này chỉ 20-30 triệu đồng. Có những gói nếu khách mua ngoài chỉ tốn khoảng 10-15 triệu đồng là trang bị đầy đủ cần thiết cho chiếc xe của mình” - bà Hiền tiết lộ.
Bà Hiền khuyến nghị nếu gặp trường hợp đại lý ép mua phụ kiện thì khách hàng nên phản ánh lên chính hãng, từ đó hãng sẽ có những chế tài đối với những đại lý khiến khách hàng phàn nàn về dịch vụ. Ví dụ, Toyota sẽ giảm mức giao xe đối với những đại lý này. “Tốt nhất khách hàng nên chọn những đại lý uy tín, mối ruột để mua xe để không bị ép chi thêm tiền” - bà Hiền nhấn mạnh.
Phải trả gấp đôi tiền cọc nếu không giao xe đúng hạn
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu khách hàng đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Khoản đặt cọc, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định là để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho khách hàng.
Do đó, để tránh tranh chấp xảy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người mua xe cần đọc kỹ biên bản thỏa thuận cọc giữa hai bên. Trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà bên mua đã đặt cọc. Đơn cử, nếu người mua xe đặt cọc 100 triệu đồng mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả khách hàng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.
Mặt khác, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người mua có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.
Theo Quang Huy - Nguyễn Nhung
Pháp luật TPHCM