1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại hạ giá ô tô và giấc mơ xe giá rẻ năm 2018 của người Việt

(Dân trí) - Trước thời điểm chỉ còn cách 10 tháng nữa là thuế nhập khẩu xe ô tô Thái Lan, Indonesia về Việt Nam được xoá bỏ, chưa bao giờ người tiêu dùng Việt trông chờ một kịch bản giá xe rẻ, mua xe dễ năm 2018. Tuy nhiên, chỉ thuế nhập được xoá bỏ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ bởi hiện đã và đang có nhiều chính sách được điều chỉnh khiến giá xe có thể tăng.

Xe nhập đã rẻ hàng nghìn USD mỗi chiếc

Dù vậy, trên thực tế, hiện giá xe ô tô về Việt Nam thời điểm giữa tháng 2/2017 đã rẻ hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. So sánh với giá khai báo thông quan (giá chưa thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB), thuế VAT.. mà doanh nghiệp nhập khẩu xe khai báo Hải quan, có thể thấy rõ điều này.

Tính đến hết ngày 15/2/2017, xe nhập về Việt Nam đạt khoảng 12.000 chiếc, kim ngạch hơn 237 triệu USD, trung bình giá xe chưa thuế khoảng 19.750 USD/chiếc (tương đương 448 triệu đồng/chiếc). Trong đó, xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm 7.800 chiếc (chiếm 65% tổng xe nhập), kim ngạch đạt 131 triệu USD, giá bình quân chưa thuế hơn 16.800 USD/chiếc (trên 382 triệu đồng/xe).

Chỉ một mình thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN, có thể chưa đủ để khiến giá xe hơi trong năm 2018 sẽ rẻ đi.
Chỉ một mình thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN, có thể chưa đủ để khiến giá xe hơi trong năm 2018 sẽ rẻ đi.

Đối chiếu cùng kỳ năm 2016, tổng xe nhập đạt khoảng 7.300 chiếc, kim ngạch đạt 190 triệu USD, giá bình quân khoảng 26.000 USD/chiếc (tương đương hơn 590 triệu đồng/xe). Trong đó xe con chiếm 2.780 chiếc (chiếm hơn 35% tổng xe nhập), giá bình quân khoảng 20.860 USD/chiếc (tương đương khoảng 473 triệu đồng/chiếc). Như vậy, sau 1 năm, giá xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, nhập khẩu nguyên chiếc dù tăng hơn 5.000 chiếc, nhưng giá bình quân đã giảm hơn 4.000 USD/xe.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, về nguồn gốc xuất xứ, hết tháng 1/2017 ô tô nhập về Việt Nam từ ASEAN (chủ yếu từ thị trường Thái Lan, Indonesia) chiếm khoảng 60% tổng lượng xe nhập, trong khi đó cùng kỳ năm 2016 xe ô tô của hai thị trường trên chỉ chiếm hơn 45% xe nhập về Việt Nam. Lượng và quy mô nhập khẩu đã tăng rất nhanh.

Mức giá hải quan là vậy, còn trên thị trường thì sao? Gần đây, trên các diễn đàn ô tô, trang chuyên về ô tô luôn “nóng” chuyện giá xe giảm nhanh, mạnh. Người trầm trồ vì giá xe giảm đến gần trăm triệu đồng, người lại tiếc nuối vì lỡ mua xe trước thời điểm hạ giá, đi "bay" mất vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, tựu chung lại, giá giảm, thị trường nóng hơn và người tiêu dùng Việt Nam đang rất vui vì giá xe đang tiệm cận với giá trị thực tế như một phương tiện, thay vì chỉ là "giấc mơ" "tài sản" của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, với mức thuế nhập xe năm giảm từ 30% (năm 2017) xuống 0% (2018), các dòng xe của ASEAN sẽ rẻ bao nhiêu? Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra, nó cũng là vấn đề rất khó có lời giải thỏa đáng. Giá xe năm 2018 rẻ bao nhiêu % so với năm 2017 và những yếu tố nào sẽ "cản đường" giảm giá xe tại Việt Nam để người dân hy vọng tích lũy tiền chờ hết năm nay mua xe.

Về chính sách thuế nhập khẩu, bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam chính thức phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN (thực chất chủ yếu do ba thị trường cung cấp xe hơi nguyên chiếc và linh kiện là Thái Lan, Indonesia và Malaysia - đây là những nước có ngành công nghiệp xe hơi phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á).

So sánh với thuế suất thuế nhập khẩu năm 2017 là 30%, thì năm 2018, với thuế suất bằng 0%, giá xe được dự đoán sẽ rẻ hơn song mức này chỉ một dòng thuế nhập khẩu để nói giá xe năm 2018 sẽ rẻ là chưa thỏa đáng bởi hiện những chính sách tác động làm tăng giá xe tại Việt Nam đang nhiều hơn. Một trong những chính sách có tác động lên giá là quy định về Tiêu chuẩn động cơ, khí thải Euro 4 cho các dòng xe bắt đầu áp dụng từ 1/1/2017.

Có nên tích tiền, chờ năm 2018 mua xe?

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bác đề xuất xin hoãn thực hiện 1 năm về tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vào ngày 1/1/2017 đối với xe tải và xe khách sản xuất và lắp ráp trong nước của các DN và Hội sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các DN thực hiện nghiêm túc Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải đối với các hãng xe, dòng xe, loại xe không phân biệt, sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu được tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, với quyết định trên đồng nghĩa là các hãng xe trong nước phải thay đổi công nghệ. Các dòng xe nhập khẩu cũng phải thay đổi dòng xe, tiêu chuẩn xe để đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, không thể coi Việt Nam là "rốn" nhập của xe ô tô phẩm cấp thấp như trước kia. Như vậy, giá xe trong nước sẽ có thể tăng giá vì phải "gánh" thêm chi phí đầu tư, thay đổi máy móc, công nghệ mới và thay đổi chính sách thị trường.

Dẫn chứng ngay từ tháng 2 năm 2017, giá xe bình quân (chưa thuế), khai báo Hải quan có xuất xứ từ Thái Lan đã tăng trung bình hơn 3.400 USD/chiếc; giá xe Indonesia cũng tăng gần 10.000 USD/chiếc. Dù chưa thể khẳng định việc tăng giá xe bình quân trên nguyên nhân chính từ đâu, nhưng rõ ràng quy định về Tiêu chuẩn khí thải đã tác động làm tăng giá của nhiều dòng xe nhập khẩu chủ lực của Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam, đặc biệt những dòng xe có dung tích trên 2.0 L.

"Các hãng xe nhập khẩu đều có chính sách hướng đến các thị trường riêng để áp đặt mức giá. Trước kia, khi chưa áp dụng Tiêu chuẩn khí thải Euro 4, các xe sử dụng động cơ khí thải Euro 2 vào Việt Nam, sử dụng xăng phẩm cấp thấp, sẽ có giá rẻ hơn. Khi Việt Nam đưa ra quy định tiêu chuẩn Euro 4, họ phải xây dựng lại chính sách thị trường, thay đổi dòng sản phẩm, chắc chắn điều này sẽ làm giá tăng”, vị chuyên gia về ô tô cho hay.

Ông này nói thêm, đặc biệt trong bối cảnh hai thị trường xuất khẩu xe lớn vào Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ họ cũng chỉ mới áp dụng Euro 4 trong thời gian ngắn, Thái Lan áp dụng Euro 4 năm 2015, Ấn Độ mới áp dụng Tiêu chuẩn Euro 3 trên toàn quốc và Euro 4 tại một số thành phố lớn và Indonesia cũng áp dụng Euro 4 từ năm 2017.

Ngoài các yếu tố chính sách vĩ mô tác động làm tăng giá mạnh, thì một số chính sách như: phí bảo vệ môi trường, phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ đều có thể thay đổi tùy thuộc vào các Bộ, ngành và địa phương.

Ví dụ như phí sử dụng đường bộ 01 năm hiện nay là 1,56 triệu đồng/xe, với dưới 9 chỗ ngồi trở xuống; phí trước bạ (10% đối với các tỉnh), riêng Hà Nội là 12%/giá trị xe (sau khi đã tính thuế nhập khẩu, thuế TTĐB…). Ngoài ra còn lệ phí đăng ký cấp biển theo địa phương là từ 20 triệu đồng/xe ở (Hà Nội, TP.HCM), 2 triệu đồng đối với thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh và thị xã và hơn 200.000 đồng đối với khu vực khác.

Những chính sách về phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ, đăng ký cấp biển như trên có thể thay đổi bởi điều này phụ thuộc lớn vào chính sách điều tiết ngành, ngân sách của liên Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Tài chính. Đặc biệt là khi giao thông đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhiều thành phố lớn vì quá bức bối, nhằm hạn chế người dân mua xe, các địa phương này có thể kiến nghị thay đổi chính sách, điều đó có thể khiến giá xe tăng lên.

Ngoài chi phí cố định, phí thường niên thay đổi nhanh khiến nhiều người có thể mua xe nhưng không thể nuôi xe, trong đó có phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu… Ngoài ra, để một chiếc xe lăn bánh trên đường phải chịu rất nhiều phụ phí khác, lớn nhất là phí BOT khi nhiều con đường ở Việt Nam đang đặt trạm thu phí, hay phí đỗ và trông giữ xe hay chuyện tắc đường ở thành phố lớn cũng làm nản lòng người mua xe hơi ở Việt.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm