Đại gia Trương Mỹ Lan và "đế chế" Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì?

Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để “trùm mền”, động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc TP.HCM đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm.


Thuận Kiều Plaza được Vạn Thịnh Phát thâu tóm và “thay áo mới” chờ đổi vận

Thuận Kiều Plaza được Vạn Thịnh Phát thâu tóm và “thay áo mới” chờ đổi vận

Thay đổi xoành xoạch

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan hiện nắm trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều cao ốc ở những vị trí đắc địa nhất của khu trung tâm TP.HCM, như Times Square, An Đông Plaza – Winsor Hotel, dự án căn hộ cao cấp Sherwood Residence, Hùng Vương Plaza... Tập đoàn này luôn khiến thị trường địa ốc "sốc" với những thông tin thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án. Khởi đầu là việc thâu tóm Trung tâm thương mại Vincom A (nay được đổi tên thành Union Square) hồi tháng 6.2013, Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trên.

Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường và đặc biệt là rất gần kề với trụ sở UBND TP.HCM. Sau thâu tóm, trung tâm thương mại này đi vào hoạt động một thời gian với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng 2 năm qua toàn bộ tầng trệt và các tầng hầm đều bị "phong tỏa" với biển thông báo đang sửa chữa và sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Đến thời điểm hiện tại, dự án này chỉ còn lác đác vài ba thương hiệu thời trang nổi tiếng còn trụ lại. Vạn Thịnh Phát đang điều chỉnh thiết kế, muốn biến Union Square thành khách sạn 6 sao đầu tiên tại TP.HCM. Ban đầu, dự kiến khách sạn sẽ hoạt động vào cuối năm 2016, nhưng một đại diện của tập đoàn này cho biết do mất thời gian điều chỉnh lại quy hoạch nên vẫn chưa có thời điểm khai trương dự án.

Dự án khác là Thuận Kiều Plaza sắp khai trương sau gần 20 năm “chết đứng”. Tòa nhà này đã được Công ty CP đầu tư An Đông - thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2015. Khi đó, có thông tin Vạn Thịnh Phát chỉ lấy đất, đập lại xây mới nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ sơn phết lại 3 tòa tháp từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Mall.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự án đã được Sở cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo từ tầng 1 đến tầng 3 vào ngày 22.6.2016. Cụ thể là lùi mặt ngoài vào 3m từ phía đường Hồng Bàng để tạo độ thông thoáng và trồng hoa cảnh, cây xanh. Trong báo cáo của Sở Xây dựng, việc lùi mặt dựng bên ngoài này làm cho phần diện tích thương mại giảm từ hơn 12.000m2 xuống còn 10.800m2. Chủ đầu tư cũng xin lắp đặt thêm ba thang máy và năm thang bộ bên trong khối đế của tòa nhà (phần trung tâm thương mại).

Nhiều nhân viên môi giới ở đây cho biết hiện tại chỉ đưa vào kinh doanh các tầng thương mại, còn phần căn hộ bên trên vẫn chưa có thông tin gì mới. Một chuyên gia địa ốc phân tích, với giá vốn, cộng với lãi suất, sẽ cần khoảng 6.000 tỉ đồng để sở hữu dự án này. Chưa kể đến khi triển khai dự án, diện tích căn hộ tại đây khá lớn cộng với chi phí đầu tư đội lên khá cao khiến giá thành mỗi mét vuông căn hộ, trung tâm thương mại sẽ cao hơn trước đây rất nhiều trong khi thị trường bất động sản hiện đang bước vào giai đoạn chững lại sau thời gian tăng nóng.

“Nếu không có tiềm lực mạnh về tài chính, trường vốn, cộng với phương án kinh doanh khả thi, dự án sẽ rất dễ rơi vào tình trạng như trước”, vị chuyên gia này cảnh báo. Với The Garden Mall, theo chuyên gia này, nếu chỉ sửa chữa lại trung tâm thương mại, sơn phết bên ngoài tòa nhà mà không cải tạo hay thiết kế lại các căn hộ bên trong e rằng dự án sẽ khó đổi vận.

Ẩn số tỷ đô

Gia tộc bà Trương Mỹ Lan cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) để mua lại căn biệt thực cổ từ thời Pháp ở ngay trung tâm quận 3. Căn biệt thự được xây dựng trên khu đất 2.819,5 m2, nằm góc giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu. Căn nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 2.000 m2. Theo quan sát, đến thời điểm hiện nay toàn bộ khuôn viên tòa biệt thự này rất cũ kỹ vì vẫn chưa được chủ mới tiến hành sửa chữa, chỉ có hai bảo vệ trông coi hàng ngày.


Siêu dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD vẫn là một vùng đất hoang hoá

Siêu dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD vẫn là một vùng đất hoang hoá

Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" nêu trên, hồi tháng 4.2016 Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD, thuộc phường Phú Thuận, quận 7 với tổng diện tích 118ha bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn…

Tuy nhiên, hơn 1 năm qua dự án này vẫn còn "án binh bất động". Theo một văn bản của Bộ Tài Chính mới đây, dự án này đến nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Thậm chí, trước lễ khởi công, các bảng công bố thông tin vẫn còn hiện rõ từng con chữ về dự án, đến nay hầu như đã bị xóa sạch theo thời gian. Bên trong, một số khu vực được người dân tận dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác thải bởi hàng ngày có rất nhiều người dân nghèo đến đây bới rác.

Dự án Tháp SJC tọa lạc tại khu tứ giác giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực, một dự án khác được thâu tóm và khởi công cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án tiếp tục nằm im, bên trong vẫn còn hoạt động cho thuê giữ xe.

Sự “bành trướng” của Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc với dụng đích gì là câu hỏi khó lý giải. Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát gần như là một sự bảo chứng để “cải tử hoàn sinh” các siêu dự án. Nhiều ông lớn địa ốc từng “tung hỏa mù” về việc hợp tác với tập đoàn này và lập tức nhận được sự tin tưởng. Đơn cử như River City của Phát Đạt và Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai từng tung tin đồn sẽ được đại gia Trương Mỹ Lan mua lại. Lập tức giá cổ phiếu của hai DN này tăng vụt.

Theo Nguyễn Tường
Dân Việt