Vì sao Thuận Kiều Plaza phải sống cảnh 20 năm "chìm nổi"?

(Dân trí) - Hơn 60.000m2 sàn xây dựng ở giữa khu vực kinh tế phát triển bậc nhất tại TP.HCM vẫn bị bỏ hoang gần 20 năm… Đó là câu chuyện khó tin nhưng có thực ở dự án Thuận Kiều Plaza. Vậy, tương lai nào cho dự án này khi vừa chính thức đổi chủ?

"Thất bại vì không dành cho người Việt!"

Khi được hỏi vì sao dự án Thuận Kiều Plaza ở một vị trí đắt địa như vậy mà thất bại, ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty Nhà Việt Nam liệt kê hoàng loạt nguyên nhân: “Nếu nói về yếu tố “thiên thời”, thì vào thời điểm năm 1998, Thuận Kiều Plaza không phù hợp với thị trường bất động sản tại thời điểm. “Địa lợi” thì có thể hiểu đó là những nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật của dự án – cũng không ít vấn đề. Còn Nhân hoà thì thật sự, dự án này không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân như đã phân tích, 2 yếu tố quan trọng, mang tính quyết định cho sự thành công hay không của một dự án bất động sản, đó là: giá bán và tính pháp lý, thì cả hai yếu tố này ở Thuận Kiều Plaza đều cũng không đạt”.

Thuận Kiều Plaza bị bỏ hoang suốt 20 năm
Thuận Kiều Plaza bị bỏ hoang suốt 20 năm

Những năm 1998 – 2000, thị trường bất động sản Việt Nam mới hình thành, đại đa số người dân chưa quen với hình thức mua căn hộ sở hữu 50 năm, thực chất là thuê nhà trả trước 50 năm. Tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là mua nhà đất phải có sở hữu lâu dài. Khi dự án Thuận Kiều Plaza đưa vào thị trường hình thức mua bán căn hộ với thời hạn 50 năm đã không được thị trường bất động sản chấp nhận.

Về giá bán, ông Trần Văn Thành nhớ lại thời điểm năm 1998 -2000, giá bán căn hộ trong dự án Thuận Kiều Plaza từ 35-40.000 USD (tương đương với khoảng 100 lượng vàng) cho một căn hộ 45-50m2,  thời điểm đó, đây là một mức giá thị trường khó có thể chấp nhận. Với số tiền đó người ta có thể dễ dàng mua được căn nhà 2-3 tầng trong hẻm rộng, thậm chí bây giờ cũng vậy, vẫn có thể mua được nhà phố với giá 100 lượng vàng. Không ai dại gì cầm 100 lượng vàng đi mua một căn hộ nhỏ có thời hạn sở hữu trong 50 năm cho dù nó nằm ở vị trí đắc địa.

Chuyên gia Lê Hoàng Châu cho rằng: dự án Thuận Kiều Plaza được xây dựng với tầm nhìn đón đầu việc trao trả Hồng Kông về Trung Quốc. Với tầm nhìn đó, các nhà đầu tư tin rằng sẽ có một làn sóng những nhà đầu tư Hồng Kông sẽ đến Việt Nam làm ăn. Trong đó,  quận 5 - TP.HCM sẽ là một điểm đến “hấp dẫn” bởi cộng động người Hoa ở đây khá lớn. Các nhà đầu tư đã bê nguyên một thiết kế chung cư từ Hồng Kông sang và đối tượng khách hàng họ nhắm đến không phải là khách hàng trong nước.

Thiết kế của Thuận Kiều Plaza với căn hộ nhỏ, trần căn hộ thấp phù hợp với điều kiện đất chật người đông ở Hồng Kông nhưng không phù hợp với TP.HCM. Bởi thực tế, ở  khu vực Chợ Lớn dù có mật độ dân số cao nhưng chưa đến mức dày đặc như Hồng Kông.

Chính vì vậy, căn hộ trong dự án Thuận Kiều Plaza quá nhỏ, trần thấp… Đó chính là “điểm trừ” của dự án này, không thích hợp với thị hiếu của đa số người tiêu dùng nên không được đón nhận.

Công nghệ xây dựng của dự án cũng có vấn đề, dùng dầm sàn quá nhiều. Vào bên trong từng căn hộ sẽ thấy rõ, trần phòng ngủ cũng có xà chạy qua, cảm giác rất khó chịu… Thêm vào đó, giá bán căn hộ trong dự án (tính theo USD) lại quá cao so với  mức trung bình của thị trường, chính vì vậy người tiêu dùng khó mà chấp nhận.

Tương lai nào cho Thuận Kiều Plaza?

Tuy nhiên, vẫn có quan điểm “bào chữa” cho sự thất bại của Dự án Thuận Kiều Plaza, một chuyên gia thị trường bất động sản (xin được giấu tên) chia sẻ : “Những năm 1998, khi chủ đầu tư Thuận Kiều Plaza vào Việt Nam họ triển khai rất bài bản. Chiến lược quảng bá dài hơi và dày đặc trên các phương tiện truyền thông, dựa vào tên tuổi một số nhân vật của giới showbiz để PR cho dự án. Còn nhớ, lúc đó chưa có doanh nghiệp bất động sản nào của Việt Nam làm được như vậy”.

“Một dự án được làm bài bản và chuyên nghiệp như vậy mà không thành công thì quả là điều khó hiểu. Theo tôi nhận thấy, dường như khi chủ đầu tư nhận ra những sai lầm trong quyết định đầu tư vào Thuận Kiều Plaza họ đã buông dự án. Sau vài đợt bán hàng không thành công vào những năm 1998 -2000, họ không còn mặn mà với việc bán hàng. Sau này khi thị trường bất động sản sốt nóng 2006-2008 vẫn không thấy chủ đầu tư có động thái nối lại việc bán hàng” – vị chuyên gia này cho biết.

Ông kết luận: “Theo tôi, việc thất bại của dự án Thuận Kiều Plaza là do chủ đầu tư không còn quan tâm, chỉ có một hướng giải thích như vậy mới thỏa đáng”.

Thuận Kiều Plaza nhìn từ đường Kinh Dương Vương
Thuận Kiều Plaza nhìn từ đường Kinh Dương Vương

Cũng theo vị chuyên gia này, khi dự án Thuận Kiều gặp trục trặc với thị trường mà không có một sự giải thích chính thức từ chủ đầu tư thì tin đồn bắt đầu bủa vây. Nào là dự án phạm phong thủy, dự án có ma…

“Với một dự án đã có những tin đồn không hay như Thuận Kiều Plaza thì cách tốt nhất là đập ra làm mới. Bây giờ có sửa chữa nâng cấp thì với tin đồn mang tính tâm linh, phong thủy… vẫn còn đó thì chủ đầu tư mới cũng khó có thể thành công” – chuyên gia này nhìn nhận sự việc.

Trong khi đó, chuyên gia Lê Hoàng Châu “úp mở” cho rằng: “Khi chủ đầu tư mới đã đầu tư một số tiền lớn để mua lại dự án thì chắc chắn họ đã có những ý tưởng lớn hơn chứ không chỉ gói gọn trong dự án Thuận Kiều Plaza. Có thể họ kết nối, mở rộng dự án ra khu vực xung quanh như một dự án chỉnh trang đô thị, biến Thuận Kiều Plaza thành một phần của dự án để phá “thế độc” hiện nay. Biến cả dự án thành một điểm nhấn kiến trúc của khu vực Chợ Lớn”.

Một chuyên gia khác cho rằng, xu hướng thị trường hiện nay là căn hộ nhỏ, với Thuận Kiều Plaza cứ để vậy, sau đó nâng cấp sửa chữa đưa vào kinh doanh không phải là một ý tưởng tồi.

Tuy nhiên, với vị trí đắc địa của Thuận Kiều Plaza, ở ngay trung tâm bán sỉ của Chợ Lớn thì việc cải tạo nơi này thành một trung tâm bán buôn hoặc giải trí sẽ phát huy hết tiềm năng.

Hiện nay trên trục đường An Dương Vương – Kinh Dương Vương có nhiều dự án bất động sản đi theo mô hình trung tâm thương mại, giải trí kết hợp với căn hộ đang rất thành công, đây có thể là một gợi mở cho dự án Thuận Kiều Plaza.

Ngọc Huân