Đại gia tẩm bổ: Sâm Ngọc Linh 400 triệu đồng, nấm lim xanh 100 triệu đồng

Thông tin về tỏi Trung Quốc tẩm hóa chất, bò bị bơm nước, thanh mai có dòi gây chú ý tuần qua. Bên cạnh đó, tin tức về sâm Ngọc Linh, quả sầu riêng 200 triệu đồng, về quán ốc đặc biệt ở Hà Nội cũng được quan tâm.

Ăn tỏi Trung Quốc tẩm hóa chất, bò bị bơm nước

Tỏi là gia vị được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Dù Việt Nam có nhiều nơi trồng nhưng tỏi Trung Quốc vẫn được nhập nhiều. Tỏi Trung Quốc có tép to, bề ngoài đẹp, dễ bóc, rẻ hơn khoảng 1/3 so với giá tỏi trong nước. Đều này làm nhiều người nội trợ ưa chuộng.


Tỏi Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường.

Tỏi Trung Quốc được bày bán tràn lan trên thị trường.

Tuy nhiên, các nhà khoa học của Mỹ, Úc đã phát hiện tỏi Trung Quốc được phun thuốc để ngưng mọc mầm, được tẩy trắng, tẩm hóa chất,… Hiện môi trường, đất trồng ô nhiễm của Trung Quốc cũng là nguyên nhân làm cho tỏi nhiễm độc trầm trọng hơn.

Chuyện bơm nước vào bò để tăng trọng lượng khi giết thịt từ lâu đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện một lò mổ có hành vi bơm nước vào bò để giết thịt. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ bơm nước vào bò để tăng trọng lượng, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Câu chuyện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang khiến các ngành chức năng đau đầu. Thực tế, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Chúng ta mới xuất khẩu một vài sản phẩm như lợn sữa, lợn choai, trứng muối,...

Có một nghịch lý là các nước sang Việt Nam ăn thịt khen ngon, nhưng bảo họ nhập thì đều lắc đầu. Các chuyên gia cho rằng, lý do chính là vì dịch bệnh. Phải mất 5-10 năm nữa mới, chúng ta mới có thể xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi.

Thanh mai hay còn gọi là dâu rừng, là loại trái cây hot vào mùa hè bởi vị ngọt thanh và lạ miệng. Nhưng gần đây, trên các trang mạng xã hội xôn xao clip về việc xuất hiện dòi trong quả thanh mai khi ngâm vào nước muối loãng, khiến dư luận hoang mang.

Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam) , việc xuất hiện dòi trong quả thanh mai không đáng lo ngại, dòi là loại ấu trùng không có độc, nếu ăn phải cũng không hề gây hại cho cơ thể.


Hình ảnh dòi chui ra từ quả thanh mai khiến dư luận hoang mang

Hình ảnh dòi chui ra từ quả thanh mai khiến dư luận hoang mang

Việc cá tầm, cá hồi nuôi trên địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai) bị chết bất thường, nghi bị đầu độc, đang khiến nhiều người chú ý. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá nước lạnh Sa Pa chết bất thường. Vào tháng 10/2016, nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở nhiều xã của Sa Pa, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người nuôi.

Vấn nạn “ chặt chém ” từ lâu đã gây bức xúc trong dư luận. Ở TP. Đà Lạt mộng mơ, chuyện bị “chặt chém” đã không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước.

Cách đây không lâu, quán Gà Ta ngay chân cầu thang chợ Đà Lạt đã “chặt đẹp” hai tô miến gà với giá 700.000 đồng. Mới đây, chủ một quán cơm bình dân ở Lâm Đồng cũng bị tố “chém đẹp” tô canh chua với giá 250.000 đồng.

Mua sâm Ngọc Linh 400 triệu đồng, quả sầu riêng 200 triệu đồng về tẩm bổ

Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia là sự kiện đáng chú ý tuần qua. Theo một số chuyên gia, sâm Ngọc Linh thuộc hàng quý nhất trên thế giới và có giá trị kinh tế cao.


Củ sâm Ngọc Linh bày bán tại chợ

Củ sâm Ngọc Linh bày bán tại chợ

Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), những người trồng sâm Ngọc Linh đã bán được hơn 2 tạ, thu về 12,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, có đại gia ở Sài Gòn đặt 400 triệu đồng mua sâm.

Cũng tại phiên chợ sâm này, một con rồng kết bằng 40kg nấm lim xanh tự nhiên, dài 4m, trị giá gần 100 triệu đồng đã được trưng bày.

Mới đây, 9 quả sầu riêng loại hảo hạng, được trồng ở Thái Lan, nặng khoảng từ 2-5 kg, được đem ra đấu giá. Cuộc đấu giá này được tổ chức để xác định ra quả nào là “vua của các loại trái cây”. Và một quả sầu riêng đã được bán với giá gần 9.000USD (gần 200 triệu đồng) tại buổi đấu giá này.

Đặc sản địa phương được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Kinh doanh đặc sản mang lại khoản doanh thu khủng không ít người bán hàng online . Một shop online bán bơ Đắk Lắk nhưng doanh thu tới 300 triệu/tháng. Một shop bán hồng sấy của Đà Lạt có doanh thu 150 triệu đồng/tháng. Có shop bán tôm hùm Nha Trang thu về 35 triệu đồng/ngày.

Thông tin về một quán ốc đặc biệt ở Hà Nội khiến nhiều người tò mò.

Bà chủ quán ốc suốt 20 năm không nói với khách một lời
Bà chủ quán ốc suốt 20 năm không nói với khách một lời

Trong suốt 20 năm qua, cả bà chủ và nhân viên của quán ốc nằm nép mình trên con phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm) không nói một lời, bởi họ đều là người khiếm thính. Khách muốn ăn gì chỉ cần chỉ tay hoặc ra hiệu. Vậy mà quán vẫn nườm nượp khách ra vào.

Trong khi nhiều loại nông sản đang rớt giá thê thảm thì ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, quả dứa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái ở địa phương. Theo đánh giá, trung bình 1ha dứa ở Mường Chà cho thu về trên 110 triệu đồng, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, người dân thu lãi từ 80-90 triệu đồng/năm.

Thông tin về cá mặt quỷ gây chú ý. Vẻ bề ngoài "xấu đến phát hờn" nhưng thịt cá mặt quỷ có hương vị "ngon miễn chê" nên được xếp vào hàng đặc sản biển, với giá bán dao động từ 200-600.000 đồng/kg.

Một loại cá đặc sản ở Vĩnh Long cũng gây tò mò. Còn được gọi là cá “cậu ông trời hay “mỹ ngư”, cá cóc được chế biến thành rất nhiều món ăn nổi tiếng.

Theo Hạnh Nguyên
VietnamNet