"Đại gia" ngân hàng Việt Nam lên tiếng về tụt hạng tín nhiệm
(Dân trí) - Hai trong số 3 “đại gia” ngành ngân hàng Việt Nam vừa bị hãng định mức tín nhiệm S&P công bố hạ bậc tín nhiệm nợ đã lên tiếng khẳng định động thái này là do S&P thay đổi phương pháp đánh giá.
Trước đó, ngay sau khi S&P công bố hạ bậc tín nhiệm dài hạn 3 ngân hàng lớn ở Việt Nam là Vietcombank, Techcombank và BIDV từ mức BB- xuống B+, thông tin từ BIDV cho biết đây là một động thái trong quá trình rà soát lại định hạng của 44 ngân hàng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo phương pháp đánh giá mới mà S&P công bố vào tháng 11/2011.
“Theo phương pháp mới này, kết quả đánh giá môi trường hoạt động sẽ quyết định định hạng cơ sở của các ngân hàng tại quốc gia đó. Do điểm đánh giá Việt Nam bị hạ từ mức 9 xuống mức 10 nên định hạng cơ sở của tất cả các ngân hàng Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh xuống mức B. Tuy nhiên, do S&P đánh giá cao khả năng hỗ trợ của Chính phủ đối với BIDV nhờ tầm quan trọng của BIDV đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, định hạng đối tác của BIDV được nâng lên 1 bậc so với định hạng cơ sở, lên mức B+”, BIDV khẳng định.
BIDV cũng cho rằng hiện họ được các tổ chức, chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Hai dẫn chứng mà BIDV đưa ra là việc họ chuẩn bị IPO vào ngày 28/12 được kỳ vọng tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của ngân hàng này. Ngoài ra, việc BIDV được nhà nước chỉ định tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng ở phía Nam cũng được coi là tích cực.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có 3 ngân hàng này thuê S&P đánh giá tín nhiệm nhằm nâng cao tính minh bạch và hướng hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Cũng trong đợt công bố này của S&P, hàng loạt “ông lớn” ngân hàng trên khắp thế giới như Bank of America, Goldman Sachs, Citigroup, Morgan Stanley, HSBC, Barclays... cũng bị hạ bậc tín nhiệm do triển vọng thiếu tích cực chung của kinh tế thế giới.
Công bố ngày 8/12 của S&P, ngoài việc hạ bậc tín nhiệm dài hạn của cả 3 ngân hàng này xuống mức B+ còn đưa ra những đánh giá riêng đối với mỗi ngân hàng.
Với BIDV, S&P đánh giá đây là ngân hàng có vị thế kinh doanh “mạnh”, tình hình vốn và lợi nhuận “rất yếu”, mức độ tham gia vào các hoạt động rủi ro “hợp lý”, tình hình nguồn vốn “trung bình”, với thanh khoản “hợp lý”. Vietcombank, tương tự, chỉ được đánh giá cao hơn với tình hình nguồn vốn “trên trung bình”.
Techcombank cũng được đánh giá là có vị thế kinh doanh “mạnh”, tình hình vốn và lợi nhuận “yếu”, mức độ tham gia hợp lý vào các hoạt động rủi ro và tình hình nguồn vốn “trên trung bình”, thanh khoản “hợp lý”.
Về triển vọng tín nhiệm nợ dài hạn, Techcombank được đánh giá là “ổn định” so với đánh giá “tiêu cực” mà S&P dùng cho Vietcombank, BIDV.
Nói về điều này, thông tin từ Techcombank cho rằng thời gian qua họ đã phải áp dụng chiếc lược phòng thủ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng và tăng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ để đảm bảo an toàn hoạt động.
Đồng thời, Techcombank cho rằng họ có khả năng huy động tốt, với thanh khoản ổn định nên dù lợi nhuận có giảm sút một phần, họ cũng giảm được chi phí tín dụng tiềm ẩn và giảm áp lực từ tỉ lệ nhóm vốn chưa rủi ro.
Hiện hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung đang bị đánh giá là yếu kém, và chính S&P khi quyết định hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam cũng cảnh báo rằng sự yếu kém của hệ thống tài chính là một “áp lực” đối với mức tín nhiệm này. Các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đều khuyến cáo và thúc giục tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó có việc đẩy nhanh mua bán, sáp nhập như thương vụ hợp nhất “bom tấn” giữa SCB, TinNghiaBank và FicomBank vừa qua.
Hồng Kỹ