“Đại gia” khốn, sinh vật cảnh khó theo

(Dân trí) - Những năm gần đây nhờ trồng hoa, sản xuất, làm dịch vụ sinh vật cảnh, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh đã có nguồn thu lớn. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế đã khiến những người kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh gặp nhiều khó khăn.

Trồng hoa, kinh doanh sinh vật cảnh nở rộ

Có thể nói, dù chưa phát triển tương xứng với tiềm năng nhưng chưa bao giờ phong trào sản xuất, kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh lại tại Hà Tĩnh phát triển một cách mạnh mẽ như thời gian qua. Tại khu vực nông thôn, nhờ chủ trương đúng đắn đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân nên nhiều cánh đồng, nhiều khu vườn rộng lớn của người dân đã không còn độc canh cây lúa, cây màu, cây ăn quả, mà đã phát triển mạnh trồng cây cảnh cho nguồn thu cao.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, từ con số 0 cách đây khoảng 10 năm thì nay tỉnh này đã có gần 200ha đất chuyên sản xuất, ươm trồng, trưng bày hoa, cây cảnh. Là một địa bàn thời tiết nắng mưa khắc nghiệt, khó chuyên canh trồng hoa, ươm nuôi cây cảnh như những vùng đất khác, tuy nhiên, hiện trên nhiều vùng đất ở Hà Tĩnh các loài như hoa ly, lan, mai vàng, đào Nhật tân… đã trở thành hàng hóa, cho người nông dân, chủ trang trại có nguồn thu cao, gấp 2-3 lần trồng lúa. Từ những địa phương chỉ độc trồng lúa, trồng màu nay các địa phương như Thạch Lưu (huyện Thạch Hà), Thạch Môn, Thạch Quý (TP Hà Tĩnh)… đã được biết đến như là những địa chỉ cung cấp hoa, cây kiểng có tiếng trên địa bàn.
Hà Tĩnh: Người dân nan giải tìm đầu ra cho sinh vật cảnh
Từ độc canh trồng màu, người dân xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh đã có nguồn thu từ trồng hoa ly (ảnh: Hoài Nam)

Ngoài phát triển nghề trồng hoa, sản xuất, ươm trồng cây cảnh cũng phát triển rất mạnh, trở thành một điểm nhấn thực sự cho bước đột phá về phong trào trồng hoa, kinh doanh sinh vật cảnh, cũng như sự đa dạng hóa nông thôn, nông nghiệp của tỉnh này. Từ thành thị đến nông thôn ở Hà Tĩnh, không khó để tìm ra những gia đình, những cơ sở, doanh nghiệp sở hữu những vườn cây cảnh, đặc biệt là cây cảnh thế được cắt tỉa công phu, có đầu tư với trị giá mỗi cây lên đến hàng chục, thậm chí có cây lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng tại TP Hà Tĩnh, theo thống kê của Hội sinh vật cảnh thành phố, rất nhiều trong số gần 100 hội viên sở hữu, kinh doanh những vườn cây cảnh trị giá từ hàng trăm triệu đồng trở lên. Nhờ trồng hoa, sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh mà nhiều hộ dân thoát cảnh đói nghèo, nhiều gia đình phát triển thành doanh nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đau đầu tìm đầu ra

Tuy nhiên, như bao ngành nghề dịch vụ kinh doanh khác, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay người trồng hoa, sản xuất, kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh tại Hà Tĩnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu ra cho các sản phẩm là một trong những vấn đề khiến những người sản xuất, kinh doanh dịch vụ này đâu đầu nhất.

Anh Nguyễn Đình Hà (xã Kỳ Bắc), chủ cơ sở kinh doanh cây cảnh trị giá hơn 5 tỷ đồng tại huyện Kỳ Anh đã thở dài khi được hỏi về hoạt động kinh doanh cây cảnh trong năm nay. Anh Hà cho hay, dù đã giảm đến 30-40% giá cả, tuy nhiên, nguồn hàng của anh vẫn không thể tiêu thụ được do vắng bóng người mua. Là người năng động, thời gian qua anh Hà đã liên hệ nhiều nơi, tiến hành trưng bày tại nhiều đại sảnh trung tâm để chào hàng, tuy nhiên hiệu quả đem lại không như mong muốn. Khó khăn trong kinh doanh buộc anh Hà phải thắt chặt chi tiêu, giảm tối thiểu công nhân, duy trì cơ sở để chờ đợi thị trường ổn định trở lại.
 
Cây sanh trị gá hơn 30 triệu đồng tại cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh của anh Trần Văn Lý
Cây sanh trị gá hơn 30 triệu đồng tại cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh của anh Trần Văn Lý

Chiều 2/1, PV Dân trí có mặt tại cơ sở kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh của anh Trần Văn Lý đóng ngay kề chợ trung tâm TP Hà Tĩnh. Khung cảnh rộng hàng trăm mét vuông của cơ sở này thật đẹp bởi vô số cây cảnh thế trị giá từ 30 đến 140 triệu đồng/cây. Vườn cây cảnh rất đẹp, nhưng trong suốt cả buổi chiều có rất ít khách hàng ghé tham quan hoặc hỏi mua. Anh Lý nhìn vườn cây cảnh thở dài cho biết, vợ chồng anh kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh đã gần chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy khó như hiện nay. Theo anh Lý, những năm trước, nhất là dịp gần tết Nguyên đán các doanh nghiệp (mua trồng hoặc tặng), cơ quan nhà nước là những khách hàng thường xuyên ghé mua cây cảnh ở cơ sở của anh, nhưng năm nay do kinh tế suy thoái, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhà nước thắt chặt đầu tư, mua sắm nên những khách hàng trên gần như giảm hẳn.

Giảm khách hàng đồng nghĩa với việc lợi nhuận trong kinh doanh cũng giảm đã kéo theo vô số khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh. Cũng như anh Hà, anh Lý cho biết, trong khó khăn chung hiện nay, những cơ sở kinh doanh dịch vụ sinh vật cảnh như anh vừa trông chờ vào lượng khách hàng ngoại tỉnh, vừa làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh cho khách hàng quen biết để chờ đợi thị trường cây cảnh chấm dứt cảnh ảm đạm như hiện nay.

 Văn Dũng - Huy Thái