Sau khi công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm tự lập, doanh nghiệp sẽ công bố báo cáo được soát xét bởi một đơn vị kiểm toán độc lập. Việc soát xét báo cáo tài chính này là hoạt động không thể thiếu giúp cổ đông, nhà đầu tư xác định được sự chính xác về các số liệu kinh doanh hay hoạt động của doanh nghiệp có vấn đề gì hay không.
Mùa soát xét năm nay, một số công ty lớn đã công bố báo cáo và cho thấy sự chênh lệch lớn trong số liệu, cũng như tiềm ẩn các yếu tố rủi ro tiềm tàng.
Lộ diện những con số bất ngờ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT, ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau soát xét giảm 5% so với báo cáo tự lập, đạt hơn 385 tỷ đồng. Biến động lớn nhất trên báo cáo soát xét nằm ở chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14% lên mức 83 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy giảm của lợi nhuận.
So với cùng kỳ năm trước, HAGL đạt mức tăng 55% về doanh thu nhưng lợi nhuận lại giảm 26%, lần lượt ghi nhận 3.145 tỷ đồng và 385 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng cũng có biến động mạnh về số liệu sau soát xét.
Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (mã chứng khoán: FIT) giảm 87% về lợi nhuận so với báo cáo công ty tự lập, tương đương giảm 219 tỷ đồng, còn 33 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh sau soát xét chủ yếu do việc điều chỉnh lại các bút toán liên quan đến việc hợp nhất công ty con đối với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cap Padaran Mũi Dinh.
Cụ thể là hủy các bút toán hợp nhất đánh giá lại khoản đầu tư đang là công ty liên kết liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Cap Padaran Mũi Dinh khiến lợi nhuận giảm gần 225 tỷ đồng. Ngoài ra, hủy các bút toán phân bổ giá trị tài sản, cùng bút toán hợp nhất liên quan đến loại trừ giao dịch nội bộ.
Cụ thể, tại ngày 4/1, công ty tăng vốn đầu tư vào Công ty Cap Padaran Mũi Dinh thông qua công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T để gián tiếp tăng tỷ lệ biểu quyết của tập đoàn từ 50% lên 50,82%. Từ đây, Cap Padaran Mũi Dinh thành công ty con cấp 2 của tập đoàn.
Các báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II tự lập của công ty đã hợp nhất khoản đầu tư vào Cap Padaran Mũi Dinh là công ty con. Nhưng đến cuối tháng 7, tập đoàn ban hành nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần của Cap Padaran Mũi Dinh do tập đoàn sở hữu. Sự kiện trên phát sinh sau niên độ và sau thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023.
Tuy nhiên, đánh giá là sự kiện trọng yếu, tập đoàn đã thông tin đến Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C để ghi nhận các điều chỉnh liên quan. Vì vậy, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 ghi nhận khoản đầu tư vào Cap Padaran Mũi Dinh là công ty liên kết, thay vì công ty con.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét lỗ thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập. Như vậy, Novaland lỗ 1.094 tỷ đồng nửa đầu năm.
Theo giải trình của doanh nghiệp, con số chênh lệch do Novaland trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, trong năm nay, Novaland đã có lịch thu tiền đủ để ghi nhận tăng lại thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483,2 tỷ đồng nêu trên.
Ngoài ra, một số đối tác chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng hợp tác. Vì vậy, khoản thu nhập của công ty trong kỳ bị giảm. Công ty cho biết khoản thu nhập này sẽ được ghi nhận trong kỳ kế toán tiếp theo sau khi Novaland thu được các nghĩa vụ tài chính từ các đối tác trễ hạn thanh toán.
Còn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023 với khoản lỗ hơn 703 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo công ty tự lập lãi gần 143 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lãi gần 56 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến số liệu chênh lệch là khoản mục lợi nhuận khác sau soát xét giảm tới 652 tỷ đồng so với tự lập. Xây dựng Hòa Bình giải thích điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc thanh lý bán tài sản tại công ty mẹ.
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính cũng giảm 72 tỷ đồng do điều chỉnh doanh thu tài chính từ hoạt động chuyển nhượng công ty con - Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec và điều chỉnh giảm lãi cho vay tại Công ty Tiến Phát Sanyo Home.
Ngược dòng, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT lại có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng so với báo cáo tự lập trước đó. Doanh thu thuần tăng 6% đạt 4.551 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt mức 2.068 tỷ đồng, tăng 15% so với báo cáo tự lập.
Trong văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết nguyên nhân lợi nhuận tăng thêm do tăng doanh thu và điều chỉnh giảm chi phí quản lý trong kỳ. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của Kinh Bắc gấp 4,2 lần và lợi nhuận sau thuế gấp 10,3 lần.
Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của HAGL, kiểm toán viên nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế 2.959 tỷ đồng tính tới ngày 30/6 và tại ngày này, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 2.004 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Giải trình ý kiến này, HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Đồng thời công ty đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.
HAGL nêu hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Theo đó, công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc HAGL tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023 trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Còn đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH PwC (Việt Nam) - có đưa ra ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo tài chính của Novaland. Mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ song PwC nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.094 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Công ty kiểm toán này cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Đơn vị kiểm toán chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Về điều này, Novaland cho biết đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay như tình hình kinh tế thế giới, khu vực với nhiều biến động, lãi suất tăng cao và ảnh hưởng hậu Covid khiến nền kinh tế chưa kịp phục hồi. Cộng với các khó khăn, chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động, kinh doanh và thanh khoản của công ty.
Hiện nay, những vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư tại các dự án của Novaland như NovaWorld Phan Thiết, Aqua City, The Grand Manhattan… đã và đang được tháo gỡ và nhận được những tín hiệu tích cực. Trước đó, nhiều dự án của công ty cũng được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các đối tác tài chính lớn như TPBank, MB, VPBank…