Tiệm tóc, làm móng mở cửa tới khuya, khách phải đặt cọc giữ chỗ
(Dân trí) - Nhiều dịch vụ làm đẹp ngày Tết như làm tóc, sơn móng đều đông khách, thậm chí mở cửa đến đêm khuya. Giá dịch vụ tăng nhẹ cục bộ, một số nơi giữ giá vì khách quen.
Cửa hàng làm tóc mở đến đêm
Chị Uyên Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) có ý định đi làm tóc, mong có "giao diện" dễ thương đón năm mới nhưng đành ngậm ngùi gác lại qua Tết. Vốn là nhân viên văn phòng, thời gian hạn hẹp nên chị Phương có ý định tranh thủ làm đẹp vào buổi tối, sau giờ làm.
Tuy nhiên, dạo một vòng quanh những địa chỉ được bạn bè giới thiệu, chị lẳng lặng ra về vì tiệm nào cũng kín khách. "Có tiệm nói với mình là từ nay tới 29 Tết đã có khách đặt trước đến đêm. Họ còn lo khách đông, có thể đón Giao thừa tại cửa hàng", chị Phương nói.
Đang ngồi chờ tại một salon tóc trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nhàn cho biết đã đợi hơn nửa tiếng đồng hồ. Mấy ngày nay, biết phải đợi lâu vì tiệm quá tải, nhưng chị vẫn chấp nhận vì "muốn có diện mạo xinh đẹp để đón Tết".
"Ngày thường làm tóc còn thư thả, mấy ngày này phải thông cảm cho tiệm và bù lại sau đó có đầu mới để chơi Tết. Nhà cửa đã dọn xong xuôi, tôi cũng chính thức nghỉ làm từ hôm qua nên nếu phải đợi thêm cũng đành chấp nhận", chị nói.
Chị Nhàn nói thêm, biết đi làm tóc cận Tết sẽ phải chịu mức giá cao nhưng vẫn vui vẻ trả tiền dịch vụ vì "chị em nào cũng muốn làm và nhân viên tiệm tóc cũng phải làm, chưa được về quê".
Không chỉ dịch vụ làm đẹp cho phái nữ kín khách, một số cửa hàng làm đẹp tóc cho nam giới cũng đông đúc những ngày cuối năm. Chuỗi cắt tóc dành cho nam giới với hàng trăm cửa hàng trên cả nước vừa thông báo mở khung giờ làm đẹp từ sáng sớm đến tận khuya cho khách hàng.
Các cửa hàng trong chuỗi này sẽ mở rộng thời gian phục vụ từ 7h sáng đến 24h mỗi ngày để các anh có thể đặt lịch thoải mái, thay vì mở cửa 8h30 và đóng cửa vào 20h30 như ngày thường. Thời gian áp dụng từ 24 tháng Chạp đến 28 tháng Chạp.
Thời điểm cận Tết cũng là lúc các tiệm tóc ăn nên làm ra, thu số tiền lớn mỗi ngày.
"Nếu làm hết công suất thì một ngày được khoảng 40 đầu tóc nam, còn nữ thì tầm 20 đầu. Chỉ cần vài ngày giáp Tết, doanh thu của tiệm đạt bằng cả tháng ngày thường", anh Tâm, chủ một tiệm tóc trên đường Trần Phú nói. Anh còn cho biết do phải phục vụ tất cả lượng khách (thường là khách quen) nên đến tận chiều 29 Tết, tiệm của anh mới nghỉ.
Cũng theo chủ tiệm này, những ngày cuối năm, khách đông nên mức giá cho các dịch vụ đã tăng từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy loại.
Mặc dù đã có 4-5 nhân viên luôn làm không ngớt tay, song do số lượng quá đông, tiệm tóc của anh Tâm (Bắc Ninh) thường ưu tiên những dịch vụ làm uốn, duỗi hoặc nhuộm, còn cắt thì đôi khi phải ngồi chờ hơi lâu hoặc là từ chối. Tùy từng kiểu tóc và độ dày, dài mà giá trọn gói dao động tầm 2 triệu đồng trở lên cho một đầu nữ. Người đi làm tóc đủ mọi lứa tuổi, thường yêu cầu làm cầu kỳ để chuẩn bị đón Tết.
"Từ trước ngày ông Công ông Táo, khách đã bắt đầu đông. Nhân viên phải làm việc từ 7h đến 22h30 còn ngày thường từ 8h30 đến 21h30. Những ngày này, lượng khách tăng gấp đôi", anh Tâm, quản lý tiệm, cho biết.
Trong cửa hàng, các nhân viên tất bật thao tác làm tóc cho khách. Theo quản lý tiệm, dịp Tết, mức chi tiêu và yêu cầu của khách cao hơn ngày thường, trong đó có nhu cầu uốn, nhuộm hoặc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc. "Chúng tôi vẫn giữ nguyên giá và sử dụng thêm các ưu đãi cho khách, giá không tăng so với ngày thường", anh Tâm nói thêm.
Tiệm làm móng đắt khách
Không chỉ tiệm tóc, các cửa hàng làm móng cũng luôn chật kín chỗ ngồi chờ. Giá dịch vụ làm móng tăng khoảng 15-20% so với ngày thường.
Chị Huyền Trang (Hà Nội) gọi cho 3 tiệm làm móng mới có một chỗ làm đẹp do không đặt lịch từ trước.
"Tôi đã phải đặt cọc 50.000 đồng để đặt chỗ. Ngày thường tôi chỉ cần ra tiệm là ngồi làm được luôn", chị Trang nói. Cô cho biết quần áo, mỹ phẩm đã được mua sắm cách đây một tuần, nhưng làm móng phải sát Tết mới có thể "chơi" được lâu.
Chị Thảo (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết sau vài lần không thành thì đã có thể đặt được lịch làm móng vào lúc 22h ngày 26 tháng Chạp. Đi làm từ sáng sớm tới 19-20h mới về tới nhà, chị Thảo gần như không có thời gian rảnh.
Giống như nhiều chị em khác, chị Thảo cũng muốn làm đẹp cho bản thân để đón Tết đón xuân. Khi phát hiện ra tiệm làm móng ngay trong khu chung cư, có thể làm xuyên đêm, chị Thảo vội tìm cách đặt lịch.
Tiệm móng nơi chị Thảo đặt lịch là một căn hộ trong khu chung cư. Chị Lan, chủ tiệm, đồng thời kiêm luôn là thợ chính, nhận hàng chục khách mỗi ngày từ sáng sớm tới tận khuya. Ngày thường, tiệm của chị vốn đã đông nên nhiều khi khách phải đặt trước 2-3 ngày mới tới lượt. Những ngày gần Tết, do khách đông hơn nên nhiều khi, khách phải đợi cả tuần mới tới được làm.
"Mấy ngày nay gần Tết, khách đông mà không có người phụ, tôi gần như không ngơi nghỉ. Có những hôm, khách năn nỉ, tôi làm tới 1-2h là bình thường. Cũng hiểu tâm lý chị em muốn làm đẹp, lại hầu hết là khách quen trong khu chung cư nên tôi đành ưu tiên, dốc hết thời gian để làm việc".
Chị Ngọc, chủ một tiệm làm móng tại phố Trương Công Giai (Hà Nội), nói fanpage của cửa hàng đã khuyến cáo nên gọi điện thoại đặt lịch trước, nếu không sẽ phải chờ rất lâu.
Chị cũng cho biết hết ngày 28 Tết sẽ cho nhân viên nghỉ. Tuy nhiên, có một số khách quen đặt lịch ngày 29 Tết nên sẽ mở cửa buổi sáng để phục vụ nhóm khách này. Nhân viên làm ngày cận Tết sẽ được trả công gấp đôi.
Chị Ngọc tiết lộ, hóa đơn ngày thường cho một khách vào khoảng 300.000-500.000 đồng nhưng nay, giá có thể dao động từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Việc tăng giá dịch vụ ngày cận Tết là hoàn toàn có cơ sở, chị Ngọc nhận định. Ngoài ra, chị cho rằng giá dịch vụ đắt rẻ tùy thuộc vào việc dùng loại hóa chất chất lượng ra sao. Nếu vị trí tiệm tóc ở những nơi đắc địa, quy mô sang trọng... giá cũng có thể cao hơn so với những nơi khác.
"Khách hàng nên chọn những tiệm đã quen để đặt lịch trước và cẩn trọng với những cửa hàng vì doanh thu cao ngày Tết mà sử dụng hóa chất không uy tín", chủ tiệm đưa ra lời khuyên.