“Đại gia” hàng không, thuỷ sản thiệt hại nặng vì virus corona
(Dân trí) - 539 mã giảm giá và 116 mã giảm sàn sáng nay đã bao phủ một không khí hoảng loạn khắp thị trường chứng khoán, trong đó, cổ phiếu hàng không, thuỷ sản vẫn là những mã chịu áp lực bán mạnh nhất do lo ngại tác động của dịch cúm virus corona.
Sau khi rơi tự do trong 30 phút đầu phiên, các chỉ số trên thị trường chứng khoán đều đã “hãm phanh” tuy nhiên sau dấu hiệu hồi phục nhẹ là trạng thái đi ngang trong vùng giá thấp.
VN-Index tạm kết phiên sáng 3/1 với việc lấy lại được mốc 900, ghi nhận giảm 29,61 điểm tương ứng 3,16% còn 907,02 điểm; HNX-Index giảm 2,43 điểm tương ứng 2,37% còn 99,94 điểm và UPCoM-Index giảm 1,22 điểm tương ứng 2,21% còn 53,91 điểm.
Thanh khoản đạt 166,99 triệu cổ phiếu tương ứng có 2.929,59 tỷ đồng đổ vào sàn HSX để mua cổ phiếu giảm giá. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch cũng được đẩy lên 40,5 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 385,65 tỷ đồng. Con số này tại sàn UPCoM là 9,86 triệu cổ phiếu tương ứng 117,69 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy trong khi phần lớn nhà đầu tư trên thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn và tháo chạy thì một bộ phận nhà đầu tư vẫn mạnh dạn giải ngân và đặt niềm tin vào sự hồi phục sắp tới của thị trường.
Trong phiên sáng nay, cổ phiếu hàng không, thuỷ sản vẫn là nhóm chịu thiệt hại lớn nhất do nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của dịch virus corona gây ra đối với nhóm ngành này.
ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam giảm mạnh 5.800 đồng tương ứng 8,95% còn 59.000 đồng/cổ phiếu. VJC của VietJet và HVN của Vietnam Airlines cùng giảm sàn và lần lượt tạm đóng cửa ở mức giá 121.100 đồng và 26.500 đồng.
Bên cạnh đó, SAS của Sasco giảm 11,72% còn 24.100 đồng; SGN của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn giảm 5,88% còn 80.000 đồng; NCT của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Nội Bài giảm 6,52% còn 64.500 đồng; MAS của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng giảm 9,79% còn 43.300 đồng.
Cổ phiếu thuỷ sản với triển vọng tiêu cực từ thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc cũng đã hứng chịu áp lực bán mạnh.
“Ông lớn” VHC của Vĩnh Hoàn mất 2.300 đồng tương ứng 6,59% còn 32.600 đồng, áp sàn giá sàn 32.400 đồng/cổ phiếu. MPC của “vua tôm” Minh Phú cũng đánh mất 1.000 đồng tương ứng 4,83% còn 19.700 đồng; ANV của Nam Việt giảm sàn, mất 1.400 đồng tương ứng 6,99% còn 17.950 đồng.
Cổ phiếu SEA của Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam giảm sàn ngay từ đầu phiên, mất 1.600 đồng tương ứng 10%; FMC của Thực phẩm Sao Ta cũng áp sát mức sàn, giảm 1.400 đồng tương ứng 5.290 đồng còn 24.150 đồng. ALC của Thuỷ sản Cửu Long An Giang giảm sàn 1.600 đồng tương ứng 6,89% còn 20.950 đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt mã cổ phiếu khác như HAG, QCG, FLC, ROS, PLX… cũng “nằm sàn” la liệt, hầu hết đều trắng bên mua và dư bán sàn lớn.
Thống kê cho thấy, toàn thị trường sáng nay chỉ có 73 mã tăng giá, 26 mã tăng trần trong khi số mã giảm lên tới 539 mã và có 116 mã giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh ngoài nhóm cổ phiếu dược gồm DHG (tăng trần), TRA (tăng trần) DVN (tăng trần); IMP(tăng 6,75%)… còn có CTG của VietinBank và NVL của Novaland. Tuy nhiên, đóng góp của những mã này lên chỉ số chính không đáng kể.
Trong báo cáo phân tích phát hành sáng nay, VNDirect cho rằng, nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp chính được hưởng lợi.
Còn lại đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, trong tuần giao dịch từ 3/2-7/2, VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và tích lũy lại với biên độ trong khoảng 920-950 điểm (cạnh trên vùng tích lũy đầu 2019-cạnh dưới vùng tích lũy cuối 2019) nhằm ổn định cung cầu.
Nhà đầu tư không nên quá lo lắng do trong lịch sử thị trường chứng khoán, những dịch bệnh đã xảy ra và được kiểm soát; sau đó, thị trường chứng khoán thường hồi phục tốt và vượt qua được mức điểm số mà trước khi dịch bệnh diễn ra.
Do đó, SHS cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu trong vùng giá thấp này. Những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 900- 920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) nếu có sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư.
Mai Chi