Đại gia chứng khoán đồng loạt "ngả mũ" gọi tên hoa hậu Mai Phương Thúy
(Dân trí) - Tuần qua, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đồng loạt gọi tên hoa hậu Mai Phương Thúy. Những chia sẻ về cổ phiếu đã cho thấy người đẹp này rất “mát tay” với đầu tư chứng khoán và không mặn mà với việc làm giám khảo chấm thi giải trí.
Hoa hậu Mai Phương Thúy tiếp đà thắng chứng khoán
Mức giá 92.000 đồng tại thời điểm đóng cửa ngày 5/11 của VCB cũng là mức đỉnh lịch sử của mã cổ phiếu này. Trong đà tăng mạnh của VCB, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đã đồng loạt gọi tên Mai Phương Thuý, người đẹp này cách đây ít tháng đã “đặt cược” vào triển vọng tăng giá của VCB.
Mai Phương Thuý mua VCB ở khoảng giá 40.000 đồng - 50.000 đồng và khi VCB leo lên đến vùng giá trên 70.000 đồng, Hoa hậu Việt Nam năm 2006 đã tuyên bố sẽ “ôm hàng” đến hơn 80.000 đồng.
Không rõ hiện tại Mai Phương Thuý đã chốt lãi hay chưa, song những chia sẻ của cô về giá VCB đã phần nào cho thấy cô rất “mát tay” với đầu tư chứng khoán - lĩnh vực mà cô cho biết là “nghề chính” của mình thay vì làm giám khảo các cuộc thi hoa hậu hay các hoạt động trong ngành giải trí.
“Vua thép” ngày thu gần 170 tỷ đồng vẫn… gặp khó
Cổ phiếu HPG sáng 7/11 tăng giá 600 đồng lên 22.600 đồng/cổ phiếu và được khớp lệnh cao lên tới 8,3 triệu đơn vị. Cố phiếu tăng giá trong bối cảnh “vua thép” Trần Đình Long vừa công bố thông tin trong 10 tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ của tập đoàn Hòa Phát đạt 2,18 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III, tập đoàn của ông Long đạt 15.087 tỷ đồng doanh thu và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 6% và 27% so cùng kỳ.
Theo giải trình, lợi nhuận giảm vì ảnh hưởng giá bán thép xây dựng và ống thép giảm từ 6 - 10%. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá quặng sắt tăng 37% làm giá vốn tăng 13%.
Luỹ kế 9 tháng, Hoà Phát có 45.683 tỷ đồng doanh thu (trung bình mỗi ngày doanh thu gần 170 tỷ đồng) và đạt 5.655 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17%.
Đại gia Nam Định mỗi ngày mở gần 3 cửa hàng
Cổ phiếu MWG của doanh nghiệp Thế Giới Di Động ngày 6/11 giảm nhẹ 500 đồng tương ứng 0,4% còn 125.600 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản sụt mạnh chưa bằng phân nửa của phiên 4/11. Dù vậy, mã này vẫn đang trên vùng giá cao nhất lịch sử (đỉnh thiết lập ngày 27/9 là 128.000 đồng).
Cổ phiếu của “ông trùm” bán lẻ thời gian gần đây có sự chững lại một phần do ảnh hưởng bởi thông tin kết quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong tháng 9, công ty này đạt 7.908 tỷ đồng doanh thu và 279 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp nhất trong vòng 6 tháng qua (trong đó, lợi nhuận giảm tháng thứ 5 liên tiếp).
Đại gia Nguyễn Đức Tài (ảnh: Internet)
Lý giải cho sự sụt giảm này, Thế giới Di động cho biết, doanh số bán hàng quý III thường thấp hơn hai quý cao điểm đầu năm, lợi nhuận giảm do chi phí bán hàng tăng mạnh. Quý III là thời điểm Thế Giới Di Động mở rộng mạnh nhất từ trước đến nay khi có thêm 257 cửa hàng các loại.
Đến cuối tháng 9/2019, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Đức Tài có tổng cộng 2.706 cửa hàng với tốc độ mở rộng trung bình 2,8 cửa hàng/ngày.
Được “giải cứu”, bầu Đức vẫn lao đao
Cặp cổ phiếu HAG - HNG của Hoàng Anh Gia Lai vừa qua diễn biến trái chiều sau khi công bố báo cáo tài chính quý III. HNG tăng 400 đồng lên 14.850 đồng/cổ phiếu và nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index, ngược lại HAG lại giảm về 4.150 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HNG của bầu Đức tăng giá bất chấp việc công ty này báo doanh thu giảm gần phân nửa so với cùng kỳ xuống 504 tỷ đồng trong quý III và lỗ quý thứ 3 liên tiếp với con số 990 tỷ đồng.
Theo giải trình của lãnh đạo công ty, doanh thu giảm sút do nhóm công ty không còn hợp nhất doanh thu từ Công ty Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên. Thiệt hại do ngập lụt hơn 1.200 ha chuối đang trong giai đoạn thu hoạch tại Lào, không còn thanh long chính vụ. Doanh thu giảm còn bởi không có doanh thu từ ớt, bò và bất động sản như quý III/2018.
Thế Hưng