Đại gia BOT kín tiếng hào phóng chi 400 tỷ đồng cho "người lạ"

Đại gia xây đường BOT kín tiếng có tốc độ kiếm tiền ngang ngửa với các tỷ phú USD Việt hàng đầu trên thị trường vừa quyết định bất ngờ: hào phóng chiết khấu khoản tiền lên tới gần 400 tỷ đồng cho "người lạ".

CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) vừa thông qua nghị quyết chào bán riêng lẻ 8,5 triệu cổ phiếu BOT (so với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư chiến lược với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm phát hành là quý IV/2019. Số tiền thu được sẽ được dùng để thanh toán nợ vay và nợ thuê tài chính hiện tại của công ty. Sau phát hành, BOT Cầu Thái Hà sẽ nâng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng hiện nay lên 485 tỷ đồng.

Thông tin BOT phát hành cổ phiếu không bất ngờ bởi đã được đề cập trong ĐHCĐ 2019. Tuy nhiên, mức giá phát hành 10.000 đồng/cp thấp hơn nhiều so với thị giá 54.300 đồng/cp trên TTCK. Bên cạnh đó, danh sách nhà đầu tư đăng ký mua bao gồm 5 cá nhân đều không có tên trong danh sách lãnh đạo công ty.

Với mức chênh lên tới 44.300 đồng/cp, các cổ đông hiện hữu của BOT thiệt gần 377 tỷ đồng. 

Đại gia BOT kín tiếng hào phóng chi 400 tỷ đồng cho người lạ - 1

BOT Cầu Thái Hà hào phóng tung 400 tỷ đồng cho các nhà đầu tư chiến lược.

CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Các cổ đông lớn của BOT gồm: ông Ngô Tiên Cương là người đại diện Công ty TNHH Tiến Đạt Phát sở hữu 23,79 triệu cổ phần (tương đương gần 60% vốn); ông Ngô Tiến Cường (anh trai ông Cương) sở hữu hơn 569 ngàn cổ phần; bà Nguyễn Thị Lan Hương nắm giữ hơn 1,86 triệu cổ phần (6,81%); CTCP CNC Capital Vietnam hơn 8,4 triệu cổ phần (21%) và CTCP PIV gần 4,18 triệu cổ phần (10,44%).

Cổ phiếu BOT lên sàn hôm 14/2/2019. Chỉ hơn 1 tháng sau, cố phiếu này đã tăng gần 6 lần lên mức 50-60 ngàn đồng/cp. Điều này giúp túi tiền của đại gia xây đường BOT Ngô Tiến Cương tăng thêm ngàn tỷ đồng - tốc độ gia tăng ngang ngửa với các tỷ phú USD Việt hàng đầu trên thị trường như Trần Đình Long hay Nguyễn Đăng Quang.

Đại gia thực sự đứng sau doanh nghiệp xây dựng cầu đường BOT Thái Hà này là ai chưa rõ, nhưng ông Ngô Tiến Cương và người liên quan đang đứng tên sở hữu phần lớn doanh nghiệp có quy mô vốn 400 tỷ đồng và quy mô vốn hóa thị trường trên 2,1 ngàn tỷ đồng. 

Đại gia BOT kín tiếng hào phóng chi 400 tỷ đồng cho người lạ - 2

Ông Ngô Tiến Cương đại diện cho Tiến Đại Phát.

Sở dĩ cổ phiếu BOT tăng ấn tượng và là quán quân tăng giá trên TTCK sau khi lên sàn là do triển vọng của doanh nghiệp này với nguồn thu từ cầu Thái Hà. Ngày 28/12/2018, công ty này chính thức được Bộ GTVT cho phép chính thức thu phí cầu Thái Hà, tuyến đường nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Năm 2014, Công ty TNHH Tiến Đại Phát và 2 doanh nghiệp khác được phê duyệt đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức BOT.

CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư được chọn trên, với vốn điều lệ ban đầu 245 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng. Cầu Thái Hà thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019.

BOT Cầu Thái Hà sau đó đã tăng vốn 2 lần lên 400 tỷ đồng trước khi lên sàn.

Trạm thu phí cầu Thái Hà được xây mới tại Km5+539 thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, gồm 6 cửa thu (3 cửa đi, 3 cửa về). Trạm thu phí hoạt động theo cơ chế một dừng (MTC) sử dụng công nghệ vé giấy, mã vạch.

Mức giá thu phí tại cầu Thái Hà từ năm 2018 đến 31/5/2021 thấp nhất là 35 ngàn đồng/lượt đối với xe dưới 12 ghế ngồi và 180 ngàn đồng cho xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.

Mặc dù triển vọng được đánh giá cao, nhưng BOT Cầu Thái Hà dự tính lợi nhuận khá thấp, chỉ hơn 2 tỷ đồng cho năm 2019. Trong nửa năm đầu 2019, BOT lỗ 85 tỷ đồng. 

Đại gia BOT kín tiếng hào phóng chi 400 tỷ đồng cho người lạ - 3

Bảng phí BOT cầu Thái Hà.

Các doanh nghiệp BOT trước đây được xem là con gà đẻ trứng vàng thì gần đây đều gặp khó. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các dự án BOT. Sai sót đáng chú ý nhất là thường thanh toán tiền thi công không đúng so với thực tế, tính toán thời gian thu phí kéo dài. Quốc hội đã có kế hoạch đưa BOT vào chương trình giám sát bởi một số dự án gây bức xúc dư luận gần đây.

Bên cạnh triển vọng tốt khi lên sàn như BOT, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng mạnh như trường hợp GTNFoods (GTN), Giấy Việt Trì (GVT), Sara Việt Nam (SRA), Cencon (CEN),... GTNFoods (GTN) đang trong tầm ngắm thâu tóm của đại gia thực phẩm, trong khi đó GVT được đánh giá có triển vọng tốt.

Thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 3/10, VN-Index tiếp tục giảm điểm và xa dần ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều mã blue-chips giảm điểm đã tác động tiêu cực tới thị trường như: Thế Giới Di Động, Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Hòa Phát, Masan, Vietcombank, Vinamilk,...

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo Rồng Việt, xu hướng hiện tại đang có diễn biến khá tiêu cực, do đó VDS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế giải ngân trong giai đoạn này hoặc cần thiết nên chốt lãi các mã cổ phiếu có sự tăng trưởng vừa qua..

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/10, VN-Index giảm 8,4 điểm xuống 991,19 điểm; HNX-Index giảm 0,58 điểm xuống 105,27 điểm và Upcom-Index tăng 0,01 điểm lên 56,85 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet