"Đại gia" bia rượu Habeco đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi
(Dân trí) - Đại hội đồng cổ đông Habeco thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay gần 221 tỷ đồng, tức giảm khoảng gần 90 tỷ đồng so với kết quả đạt được năm ngoái.
Sáng nay (28/4), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh năm nay của Habeco tương đối thận trọng. Năm thứ ba liên tiếp, doanh nghiệp thận trọng trong đặt mục tiêu khi đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 221 tỷ đồng, ít hơn gần 90 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2021.
Năm 2021, đặt kế hoạch tổng lợi nhuận sau thuế là 255 tỷ đồng song thực tế, con số thực hiện của Habeco là 310 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra cả năm.
Lý giải về việc đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi, ban lãnh đạo Habeco cho hay kế hoạch được đưa ra trước những dự báo ảnh hưởng từ dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến chi phí sản xuất tăng vọt.
Ngoài ra, theo doanh nghiệp này, 2022 dự báo tiếp tục là năm khó khăn với các doanh nghiệp và thị trường, ngành bia khi nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, việc nhập vật tư nguyên liệu chính để sản xuất có nguy cơ chậm tiến độ vì đối tác nước ngoài không bố trí được phương tiện vận chuyển. Điều này theo Habeco, đã đặt ra gánh nặng chi phí cho các nhà sản xuất.
Trong điều kiện chi phí đầu vào tăng nhanh, sức mua lại yếu, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đã đánh giá ngay cả đối với những doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn cũng sẽ phải mất nhiều năm để có thể quay trở lại mức phát triển như trước đại dịch.
"Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nhưng sản lượng sản xuất, tiêu thụ quý I năm nay của Habeco chỉ đạt khoảng 90% so với cùng kỳ", ban lãnh đạo Habeco thông tin.
Ngoài yếu tố thị trường ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh, Habeco cho biết cũng đang chịu áp lực cạnh tranh từ các hãng bia đối thủ khi họ đẩy mạnh marketing, khuyến mãi, thúc đẩy bán hàng để giành giật thị trường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chưa kể, các đối thủ của Habeco còn đẩy mạnh xúc tiến bán hàng ở tất cả phân khúc sản phẩm, nhất là dòng phổ thông vốn là thế mạnh của Habeco…
Trao đổi thêm vì sao năm nay dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất trở lại bình thường mà Habeco vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi như vậy, Ban lãnh đạo Habeco cho biết năm nay Habeco đã đặt chỉ tiêu doanh thu và sản lượng tăng cao nhưng lợi nhuận vẫn giảm bởi chi phí đầu vào tăng mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Habeco, các phương án thoái vốn Nhà nước tại Habeco đã được trình Thủ tướng, Bộ Công Thương. Hiện doanh nghiệp vẫn đang đợi các chỉ đạo tiếp theo.