1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Habeco tiết lộ kế hoạch mới

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Lãnh đạo Habeco cho rằng 2021 là năm nhiều thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, kéo theo sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bia, rượu, nước giải khát.

Vì sao Habeco phải thận trọng?

Hôm nay (28/4), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội - Habeco (Mã CK: BHN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Lãnh đạo Habeco dẫn báo cáo của Nielsen Việt Nam cho biết, năm 2020, thị trường bia Việt Nam dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100 đã chịu sự sụt giảm lớn so với năm 2019, trong đó, sản lượng tiêu thụ của Habeco và Sabeco có mức giảm tương đương nhau.

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Habeco, tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ - thị trường chính của Habeco, ngành bia có sự suy giảm mạnh hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách xã hội trong quý I và đầu quý II/2020, Habeco đã có sự phục hồi, đạt 38,5% thị phần về sản lượng tính đến hết 2020.

Habeco tiết lộ kế hoạch mới - 1

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Habeco.

2021 là năm được Habeco xác định vẫn còn nhiều thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành nghề kinh tế, kéo theo sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bia, rượu, nước giải khát.

Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh liên tục tung ra các sản phẩm thuộc nhiều phân khúc phổ thông, cạnh tranh trực tiếp với Habeco.

Về chỉ tiêu kinh doanh năm 2021, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 5.391 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 319 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 255 tỷ đồng; cổ tức 6,5%.

Lý giải về kế hoạch đặt ra năm 2021 khá thận trọng, ông Ngô Quế Lâm - Tổng giám đốc Habeco - cho hay, thực tế các chỉ tiêu kế hoạch Habeco đưa ra năm 2021 đều cao hơn so với kế hoạch 2020. Việc đưa ra kế hoạch thận trọng nhằm dự phòng rủi ro Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh đó, miếng bánh ngành bia đang nhỏ lại khiến mức độ cạnh tranh ngày càng cao hơn.

Nam tiến theo hướng "chậm nhưng chắc"

Tại đại hội, lãnh đạo Habeco cũng đã thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2021. Theo đó, doanh thu công ty mẹ ước đạt 1.116,6 tỷ đồng, tăng 78,2%, lợi nhuận ước đạt 67 tỷ đồng, tăng 1775% cùng kỳ.

Trả lời về kế hoạch "Nam tiến", lãnh đạo Habeco cho biết hiện nay Tổng công ty vẫn đang bán hàng tại phía Nam. Tuy nhiên chiến lược hiện nay sẽ là "chậm, chắc", phát triển dần dần kết hợp nhiều giải pháp như bán hàng trực tuyến bên cạnh bán hàng truyền thống.

"Habeco đang xây dựng đội ngũ bán hàng trong đó để dần thâm nhập và có sản lượng bán tốt ở thị trường phía Nam. Nếu trong thời điểm hiện nay mà đầu tư quá nhiều thì sẽ không tốt cho kết quả kinh doanh" - lãnh đạo Habeco tiết lộ.

Đẩy mạnh thoái vốn khỏi doanh nghiệp kém hiệu quả

Chủ tịch Habeco Trần Đình Thanh đề cập đến tình hình thoái vốn tại một số đơn vị thua lỗ nhiều năm như Halico. Theo đó, ông Thanh cho biết đã thuê tư vấn định giá, đề xuất Bộ Công Thương để chỉ đạo thoái vốn.

Theo lãnh đạo Habeco, với kết quả kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính của Halico đang tiềm ẩn rủi ro cao. Từ năm 2018, Habeco đã tiến hành các công việc cần thiết để thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Halico và mong muốn được thực hiện chào bán cổ phần tại Halico cho các nhà đầu tư khác.

Habeco đã xây dựng các phương thức thoái vốn, tuy nhiên các phương thức đều đang rất khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh thua lỗ, Halico không đáp ứng được các điều kiện về chào bán theo phương thức đấu giá công khai theo quy định tại Luật chứng khoán.

"Habeco đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn, cập nhật tiến độ cũng như các vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương" - lãnh đạo Habeco cho biết.

Doanh nghiệp này cũng cho biết đã báo cáo đề xuất Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến hướng dẫn để Habeco được chào bán cổ phần tại Halico theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán.

Trong năm 2021, Habeco sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn cập nhật các văn bản mới của nhà nước quy định về việc thoái vốn, để xây dựng phương án thoái vốn tại Halico, thực hiện báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương trước khi thực hiện, đảm bảo công tác thoái vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài Halico, Habeco còn có vốn góp đầu tư tại 5 công ty hoạt động ngoài ngành, bao gồm 3 công ty trong hoạt động lĩnh vực bất động sản đó là: Công ty CP Harec Đầu tư và Thương mại; Công ty CP Bất động sản Lilama; Công ty CP đầu tư và phát triển Habeco; 1 công ty đào tạo (Trường đại học Công nghiệp Vinh) và 1 công ty hoạt động kinh doanh tổng hợp (Công ty CP Sành sứ thủy tinh Việt Nam). Trong các đơn vị nêu trên, ngoại trừ Công ty CP Harec Đầu tư và Thương mại có hiệu quả kinh doanh tốt, các công ty còn lại có kết quả kinh doanh kém hiệu quả.

Trong năm 2021, Habeco sẽ nghiên cứu, cập nhật các quy định mới tại Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các văn bản của Nhà nước quy định về việc thoái vốn, để xây dựng phương án thoái vốn, thực hiện báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương trước khi thực hiện, đảm bảo công tác thoái vốn tuân thủ theo đúng quy định.