"Đại gia bán lẻ ngoại cũng bức xúc vì bị dư luận lên án"
(Dân trí) - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ cho biết: “Bản thân các nhà bán lẻ cũng tỏ ra bức xúc trước vấn đề dư luận lên án rằng: Trên các kệ hàng siêu thị tràn lan hàng ngoại, nhà bán lẻ ưu tiên hàng ngoại… Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng phía các nhà bán lẻ cũng đang gặp khó khăn khi phải đảm bảo xem xét sản phẩm của nhà cung ứng nào mới được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Thời gian qua, thị trường bán lẻ chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khiến dấy lên lo ngại về việc các doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường cùng việc mất ưu thế cạnh tranh ngay trên sân nhà của các nhà sản xuất trong nước.
Trao đổi về vấn đề này, tại toạ đàm về thị trường bán lẻ vừa diễn ra, dưới góc độ một doanh nghiệp bán lẻ, ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart cho rằng: "Vấn đề cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài là vấn đề không mới. Vấn đề mới là việc hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng Thái Lan".
Ông Hoàng Anh cho rằng, sự lo lắng của siêu thị Việt Nam là hoàn toàn có sơ cở khi doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính, có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ để hàng hóa xâm nhập nhanh vào thị trường. Xét về mặt hàng hóa thì kinh doanh phải có lãi nên chúng ta cần phát huy thế mạnh của mình.
"Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng mạnh về giá để chiếm ưu thế. Nhưng theo chúng tôi nghiên cứu, yếu tố giá chưa đủ để quyết định thành công của doanh nghiệp mà còn là vấn đề chất lượng, dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên,…. Tùy đặc điểm của loại hình doanh nghiệp mà chọn hình thức tiếp cận khách hàng phù hợp đáp ứng được nhu cầu của thị trường để tạo nên lợi nhuận cho mình", ông cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đi Siêu thị chỉ ra rằng, thực tế, làn sóng M&A tại Việt Nam không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp bán lẻ offline mà còn ở cả những doanh nghiệp bán lẻ online. Ví dụ Central Group mua Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim, Alibaba mua Lazada Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp tập đoàn nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam thì M&A là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
"Theo tôi, tác động của làn sóng này chắc chắn có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các kênh phân phối, bán lẻ lớn của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng đến từ đất nước họ", ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: "Để trả lời câu hỏi này phải có góc nhìn nhiều chiều. Nhìn nhận thực trạng cho thấy, nếu như nhà bán lẻ (nhà cung ứng) gặp khó khăn thì đó là vấn đề. Còn nếu họ vẫn bình thường đó là dòng chảy bình thường".
"Với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn như trước, chỉ có thay quốc tịch của chủ sở hữu mà thôi. Đúng là hàng hoá vào siêu thị, đứng được ở siêu thị hay không là phải đánh giá ở việc có bán được hay không? Ví như chúng ta đang ưu tiên cho chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và hết sức mình cổ động cho chương trình này, nhưng mọi sự lựa chọn là phụ thuộc vào nhu cầu thị trường", bà nói.
Nói về quan điểm của Hiệp hội bán lẻ, bà Loan khẳng định, về phía các chuỗi bán lẻ hiện đại, Hiệp hội luôn luôn ưu tiên. Và với các doanh nghiệp FDI, quan điểm hội nhập và gắn kết rất thân thiện nhưng cũng không kém phần thúc giục.
Theo bà Loan: "Điển hình như vụ Central group và Big C, ngay khi thương vụ này diễn ra, tôi đã có cuộc điện thoại với bên Central và hỏi rằng: Liệu hàng Thái có chiếm tỷ trọng lớn hay không? Trả lời câu hỏi này, bên Central cho biết, vẫn giữ tỷ trọng hàng Việt lớn trong các gian hàng và đã có cam kết với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bản thân các nhà bán lẻ cũng tỏ ra bức xúc trước vấn đề dư luận lên án rằng: trên các kệ hàng siêu thị tràn lan hàng ngoại, nhà bán lẻ ưu tiên hàng ngoại…"
"Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng phía các nhà bán lẻ cũng đang gặp khó khăn khi phải đảm bảo xem xét sản phẩm của nhà cung ứng nào mới được người tiêu dùng ưa chuộng", bà nhấn mạnh.
Phương Dung